Cụ thể hóa các nội dung của Luật Cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh

Nhiều nội dung trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) chưa cụ thể, chưa hợp lý. Cần điều chỉnh để hoàn thiện hơn, đảm bảo tính răn đe của pháp luật và bình đẳng trong kinh doanh.

Quang cảnh Hội thảo.

Nội dung trên được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo góp ý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/4.

Luật bám theo thực tiễn

Theo Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), Dự thảo đã tiến bộ so với Luật Cạnh tranh năm 2004, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, hành vi quảng cáo sai sự thật phải bị xử lý bởi đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, một doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm máy điều hòa quảng cáo diệt được virus H5N1, điều này vi phạm luật cạnh tranh bởi quảng cáo không có thật.

Tuy nhiên, liên quan vấn đề này, Luật sư Trần Thị Hồng Việt (Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định về hành vi lôi kéo khách hàng bất chính (cạnh tranh không lành mạnh bị cấm) chưa thật sự đầy đủ mà cần cụ thể hơn. Như trước đây, có một diễn giả đi từ Hà Nội đến Thái Lan trong 3 tuần lễ để thuyết trình nhưng chỉ cầm một bao bì sản phẩm “màu đỏ, trắng và ít màu xanh” gần giống một sản phẩm bột giặt có thương hiệu và mang tên gần giống tên sản phẩm bộ giặt đó. Đây cũng là hành động quảng cáo gây nhầm lẫn, cạnh tranh không lành mạnh.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật Cạnh tranh liên quan đến Luật Đấu thầu cũng như nhiều luật khác nên cần thận trọng để hoàn thiện nhất. Hiện nay, nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cạnh tranh cần phải được xử lý phù hợp với thực tiễn, để đảm bảo cho doanh nghiệp và thị trường phát triển.

Dẫn chứng vụ cà phê “pha pin” xôn xao dư luận những ngày vừa qua, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, nếu xử phạt hành chính 45 triệu đồng là không đủ sức răn đe. Vấn đề này không chỉ đơn thuần là phạt mà phải đưa vào khung xử lý hình sự mới ngăn chặn được, nếu chỉ phạt hành chính sẽ còn nhiều cơ sở khác. Ở góc độ cạnh tranh, cà phê có thương hiệu tốt của Việt Nam sẽ bị những hàng giả, hàng gian dối này gây hại, mất uy tín của hàng hóa trong nước lĩnh vực này, dẫn đến ảnh hưởng khả năng cạnh tranh. Điều này tạo cơ hội cho các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh thị trường.

Cần cụ thể nhiều nội dung

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì Hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) còn nhiều nội dung khá rối và khó hiểu, nhiều điểm chưa hợp lý. Viện dẫn Điều 34 của dự thảo về tập trung kinh tế, ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, về nguyên tắc, tiêu chí cho phép hay không cho phép tập trung kinh tế phải dựa vào tác động của tập trung kinh tế đối với thị trường (ví dụ thị trường lớn đến mức nào, khả năng ảnh hưởng tới hành vi cạnh tranh của các chủ thể khác trên thị trường như thế nào).

Tuy nhiên, theo ông Bùi Mạnh Hùng, các tiêu chí hiện tại trong Dự thảo không dựa trên nguyên tắc nói trên. Tiêu chí tổng doanh thu, tổng tài sản trên “toàn thị trường Việt Nam” (như dự thảo) đồng nghĩa toàn bộ thị trường Việt Nam là tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Quy định như vậy là quá rộng, đề nghị giới hạn ở tổng doanh nghiệp, tổng tài sản trong thị trường sản phẩm, dịch vụ có liên quan.


Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Mẫn (Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (tập trung kinh tế) bao nhiêu phần trăm mới gọi là cạnh tranh không lành mạnh, thống lĩnh thị trường? Và khi vi phạm, chế tài, xử phạt như thế nào bởi dự thảo không có.

Đối với xử lý hành vi vi phạm, Điều 116 dự thảo về phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, ở khoản 1 về mức phạt tối đa khi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Ông Bùi Mạnh Hùng chia sẻ, các doanh nghiệp đánh giá quy định này chưa hợp lý vì mức phạt trên quá nặng, có thể triệt hạ doanh nghiệp. Hơn nữa, phạt trên tổng doanh thu của doanh nghiệp là chưa hợp lý bởi doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều mặt hàng và chỉ có một mặt hàng là doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định. Do vậy, đề nghị căn cứ trên tổng doanh thu loại hàng hóa mà doanh nghiệp vi phạm thay vì tổng doanh thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, mức phạt tối đa 2 tỷ đồng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là quá nhẹ, cần nâng lên mức cao hơn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng băn khoăn về cơ cấu tổ chức, hoạt động Ủy ban Cạnh tranh quốc gia như trực thuộc bộ, ngành nào hay trực thuộc Chính phủ; cần quy định cụ thể để đảm bảo Ủy ban hoạt động hiệu quả, không trùng lắp, dẫm chân các đơn vị khác.

Theo Luật sư Dương Quang Thọ, Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, trong cơ cấu, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ, ngành (Bộ Công Thương) trong khi việc đang giảm đầu mối các bộ, ngành, cần xem xét có nên hay không. Nếu có Ủy ban này, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tránh trùng lắp với các cơ quan điều tra khác. Theo Dự thảo, thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khá yếu, không thực hiện được các vụ việc lớn, dưới quyền điều tra của các cơ quan tư pháp khác.

Tin, ảnh: Tiến Lực (TTXVN)
Luật Cạnh tranh hướng đến 3 'chống'
Luật Cạnh tranh hướng đến 3 'chống'

Sáng 15/11, đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sau 12 năm thực thi. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của Luật này là đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN