Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết, liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống, tính mạng của nhân dân. Chuyên đề giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình cháy nổ.
Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần rà soát kỹ các kiến nghị, các chỉ tiêu giao Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương để cụ thể thêm, tăng cường tính chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy gắn với trách nhiệm và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với từng đối tượng để bảo đảm tính khả thi và thuận tiện cho công tác giám sát.
Nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, hạn hán, hanh khô còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn, vì thế sẽ tác động lớn đến tình hình cháy, nổ và đặt ra cho công tác phòng cháy, chữa cháy nhiệm vụ rất nặng nề, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Về chủ trương, qua cuộc giám sát này, không thể hy vọng chấm dứt được hoàn toàn việc cháy nổ, nhưng đây là cơ hội để có các giải pháp phù hợp, cần thiết nhằm nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm của tất cả các đối tượng, lực lượng trong công tác phòng cháy chữa cháy, từ đó hạn chế, loại trừ được các nguyên nhân gây ra cháy, nổ, giảm thiệt hại về người và tài sản, góp phần bảo đảm sự bình an của người dân, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, công tác phòng cháy, chữa cháy tiếp tục phải lấy phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy mà nòng cốt là lực lượng phòng cháy, chữa cháy của công an, quân đội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
Cũng tại hội trường chiều 13/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cho biết sẽ tiếp tục tham mưu chỉ đạo tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã tham mưu cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện khá đầy đủ, ngoài luật, nghị định, thông tư là gần 200 tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đối với các công trình xây dựng vi phạm phòng cháy, chữa cháy, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã kiên quyết xử phạt theo quy định của pháp luật, kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh có biện pháp xử lý triệt để.
Trước vấn đề các đại biểu nêu, tại sao tại các thành phố, khu đô thị lớn thường hay xảy ra cháy, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận quy luật khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì sẽ xảy ra nhiều vụ cháy, tình hình cháy nổ sẽ diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines cũng có thực trạng này. 4 năm qua, lực lượng Công an đã khởi tố 66 vụ liên quan đến cháy nổ, truy tố 43 bị can, xử phạt 98.398 trường hợp với hơn 200 tỷ đồng; đình chỉ 1.956 trường hợp vi phạm và tạm đình chỉ 2.720 trường hợp.
“Bộ hoàn toàn không chủ quan và đang nghiên cứu quy luật, từ kinh nghiệm các nước để có các giải pháp phòng tránh”- Bộ trưởng nêu.