Các Thống đốc nhất trí cho rằng, qua 20 năm, Quỹ ASEF đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra năm 1997 là thúc đẩy hiểu biết Á - Âu thông qua giao lưu tri thức, giao lưu văn hóa và giao lưu con người giữa hai châu lục; không ngừng phát triển, thích ứng và mở rộng hợp tác sang 6 lĩnh vực, văn hóa, giáo dục, quản trị, phát triển bền vững, y tế và kinh tế, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của người dân.
Quang cảnh cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á – Âu (ASEF) lần thứ 37. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Cuộc họp nhất trí trong thập niên thứ ba, ASEF cần đóng góp vào nỗ lực của ASEM trong tiên phong thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu và hợp tác đa phương trong kỷ nguyên số, đẩy mạnh giao lưu, tăng cường hiểu biết, hợp tác trên 6 lĩnh vực ưu tiên của ASEF gắn với công nghệ số hóa. Đây sẽ là động lực cho kết nối, tăng trưởng bền vững, bao trùm của ASEM. ASEF cần thúc đẩy cải cách ASEM theo hướng tăng cường tính bổ trợ, tương tác với các cơ chế hợp tác đa phương khác, tạo điều kiện cho sự tham gia, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, phụ nữ, doanh nghiệp, bảo đảm chính sách tài chính bền vững, hiệu quả, chính sách nhân sự hợp lý, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu năng động và gắn kết hơn.
Cuộc họp đã nhất trí thông qua 13 dự án trong 6 lĩnh vực để triển khai năm 2018 gồm, đối thoại chính sách văn hóa ASEF, chương trình văn hóa 360 độ, sáng kiến dịch chuyển văn hóa, các sự kiện văn hóa bên lề Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12, các hội thảo trao đổi chính sách giáo dục, đào tạo kỹ năng ngoại giao công chúng, diễn đàn Á - Âu về môi trường, các dự án về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, diễn đàn kinh tế Á - Âu, hội thảo bàn tròn các tổng biên tập ASEF, trang thông tin ASEM…
Cuộc họp cũng nhất trí thông qua dự án của Việt Nam về Hội nghị Á - Âu về học tập suốt đời gắn với đào tạo nghề, triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì; Hội thảo về triển khai các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nước CLMV do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Cuộc họp đánh giá các dự án có nghĩa thiết thực với hai châu lục nói chung và ASEAN nói riêng, góp phần thúc đẩy giáo dục chất lượng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực trong kỷ nguyên số, triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 gắn với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và được triển khai trong năm 2018.
Tại phiên bế mạc, các Thống đốc đã thông qua Báo cáo tổng kết cuộc họp và nhất trí sẽ nhóm họp tại Rumani vào năm 2018. Sau hai ngày làm việc, cuộc họp đã thành công tốt đẹp.
Cuộc họp các Thống đốc Quỹ Á - Âu lần thứ 37 là một trong hai hoạt động đối ngoại quan trọng nhất trong khuôn khổ ASEM do Việt Nam đăng cai trong năm 2017, đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ ASEF và hợp tác ASEM bước vào năm đầu tiên của thập kỷ thứ ba. Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Cuộc họp các Thống đốc sau 13 năm kể từ dịp tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 vào năm 2004.
Cùng với Tọa đàm chính sách về “Xây dựng tầm nhìn cho quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện cho thế kỷ 21” tổ chức chiều 30/11, cuộc họp Hội đồng các Thống đốc ASEF lần thứ 37 tiếp tục cho thấy chính sách coi trọng ASEM và quan hệ đối tác Á - Âu trong triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối ngoại đa phương của Việt Nam; đề cao đóng góp của Việt Nam cho hợp tác Á - Âu, nhất là đề xuất định hướng nâng tầm hợp tác, nâng cao vị thế của ASEM và ASEF trong cục diện đang định hình. Đây là cũng là cơ hội thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, nhất là thanh niên, doanh nghiệp hiểu hơn về hợp tác ASEM, Quỹ ASEF và tham gia các hoạt động của Quỹ.
Trong thời gian tham dự cuộc họp, các đại biểu có dịp tham quan, tìm hiểu về truyền thống, lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng và Hội An, hiểu thêm về hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập.
Diễn đàn ASEM là một cơ chế hợp tác quan trọng để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về giao lưu nhân dân, kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của nước ta và ASEAN nói chung. Trong khuôn khổ Quỹ Á - Âu, trong 20 năm qua, Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Á - Âu triển khai 50 dự án tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp như hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước, thúc đẩy an sinh - xã hội, sức khỏe cộng đồng, giao lưu văn hóa, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường giao lưu và đóng góp của thanh niên… Các hoạt động đa dạng của Quỹ tiếp tục là những cơ hội để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân tranh thủ hợp tác trong giai đoạn phát triển mới của hợp tác Á - Âu.