Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Ảnh: dantri.com.vn |
Thời gian qua, nhiều đường dây nóng của các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Chính phủ đã được thiết lập, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận trực tiếp phản ánh, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, đặc biệt là tặng quà trái quy định dịp lễ, Tết.
Các đường dây nóng này đã mang lại những kết quả bước đầu và đang được các cơ quan chức năng tổng kết, có giải pháp tăng cường hiệu quả trong công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh.
Đường dây nóng tạo thuận lợi cho việc phản ánh thông tin tiêu cực Hiện nay, việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo về tham nhũng đang được thực hiện bởi rất nhiều cơ quan, đơn vị như: Thanh tra Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cơ quan báo chí…
Hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng đóng vai trò quan trọng như là một trong những công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng tiêu cực hiệu quả.
Thực tiễn cho thấy, các nguồn thông tin này đang phát huy tác dụng, phục vụ trực tiếp cho đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.
Theo quy định pháp luật, ngoài những người có thẩm quyền giải quyết tố cáo như quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, cơ quan công an, cơ quan thanh tra là những cơ quan đầu mối tiếp nhận các tố cáo về hành vi tham nhũng, sau đó chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Nghị định 120/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, tại Điều 39 quy định về việc thiết lập công khai các hình thức tiếp nhận tố cáo hành vi tham nhũng, theo đó: “Cơ quan công an, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo có nghĩa vụ thiết lập, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận tố cáo về hành vi tham nhũng”.
Từ năm 2015 đến nay, nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp tố cáo về tham nhũng, tiêu cực và đặc biệt là tặng quà trái quy định dịp lễ, Tết, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã mở 3 đường dây nóng, trong đó có số điện thoại cá nhân của Cục trưởng Cục Chống tham nhũng. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp có thể gửi thông tin phản ánh, tố giác qua email: Cucchongthamnhung@gmail.com.
Theo ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), những thông tin phản ánh về quà tặng Tết, dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu có cơ sở sẽ được xử lý ngay lập tức hoặc được Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2017, Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận 56 nguồn tin phản ánh của người dân từ gọi điện thoại trực tiếp, nhắn tin, gửi fax, chuyển phát nhanh hỏa tốc qua đường bưu điện.
Trong đó, 33 nguồn tin liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, chủ yếu trong các lĩnh vực an toàn giao thông, trật tự đô thị xã hội, hàng cấm buôn bán, hàng lậu, an toàn thực phẩm, hàng giả; 23 nguồn tin khác liên quan đến việc vi phạm Chỉ thị 11 của Ban Bí thư, Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chinh phủ về tặng quà, nhận quà trái quy định.
Cục Chống tham nhũng đã giữ lại một số vụ việc để nghiên cứu, xem xét, trình Tổng Thanh tra Chính phủ lồng ghép với những nội dung khác nhằm thanh tra, kiểm tra sau này.
Tăng cường hiệu quả của các đường dây nóng
Theo Cục trưởng Phạm Trọng Đạt, việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng là công cụ hữu hiệu để chống tham nhũng hiệu quả. Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng góp phần tạo dựng niềm tin của công dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Giải quyết tố cáo là một hình thức biểu hiện trực tiếp mối quan hệ giữa nhân dân và Nhà nước.
"Qua đường dây nóng, Cục Chống tham nhũng không chỉ tiếp nhận được các thông tin tố cáo các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, mà qua đó, người dân còn góp ý kiến mang tính xây dựng để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng. Để các đường dây nóng này đạt hiệu quả hơn nữa, chúng tôi sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện để ban hành một thông tư hướng dẫn, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị”- ông Phạm Trọng Đạt cho biết.
Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 16-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2018, trong đó yêu cầu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo các địa phương; các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương.
Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…
Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 48/CT-TT trong đó yêu cầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không tổ chức du Xuân, đi chúc Tết, không tặng quà lãnh đạo; yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc Tết Chính phủ, các bộ, ngành. Cán bộ, công chức không sử dụng xe công đi lễ hội và không đi lễ hội trong giờ hành chính.
Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tham những trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 và báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ƯBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91 nghiêm túc chấp hành các quy định trên; đồng thời theo dõi, nắm tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời; báo cáo những trường hợp tặng quà, nhận quà, sử dụng tài sản công không đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 21/2/2018.