Hàng loạt cán bộ y tế vướng vào vòng lao lý
Đề cập đến vấn đề đau xót khi cả nước đang phải căng ra chống dịch, hàng loạt cán bộ y tế lại vướng vào vòng lao lý liên quan đến vi phạm trong đấu thầu, quản lý giá thuốc, quản lý công tác đấu thầu, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, trách nhiệm của mỗi cá nhân, lỗi chủ quan đã rõ, các cơ quan pháp luật đã chỉ ra. Tuy nhiên, một phần do cơ chế và đặc biệt là công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò của cơ quan quản lý lĩnh vực.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nói rõ thêm về việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế, đặc biệt khi chúng ta đang triển khai Nghị quyết 30 với hàng loạt các cơ chế đặc thù, “để tránh tình trạng vào một thời điểm nào đó, các cán bộ y tế lại bị khởi tố, truy tố vì những vi phạm pháp luật”. Đồng thời, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công an trao đổi thêm với vai trò là “người cầm thanh bảo kiếm bảo vệ pháp luật, phòng, chống vi phạm pháp luật”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề về những tiêu cực ngành Y thời gian qua trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế có nguyên nhân do thiếu kiến thức trong công tác quản lý, quản trị của người đứng đầu bệnh viện. Bác sỹ làm chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc đã quản trị tốt. “Vậy đến lúc có thể tách bạch giữa quản trị, quản lý với chuyên môn riêng? Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?”.
Trả lời ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sai phạm, vi phạm của một số cán bộ y tế bị xử lý trong thời gian qua, nhất là trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men vật tư, trang thiết bị y tế, là sự việc hết sức đau lòng, xuất phát từ nhiều lý do: Vấn đề về cơ chế, về hướng dẫn, đặc biệt là do những vi phạm mang tính cá nhân. Các quy định về đấu thầu rất cụ thể, nhưng vẫn có những vi phạm liên quan đến đấu thầu, tham ô, tham nhũng.
“Cái này chúng tôi lên án và các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng các quy định về mặt pháp luật. Mặt khác, Bộ Y tế tiếp tục rà soát lại những hướng dẫn, những thể chế có liên quan đến việc quản lý vấn đề mua sắm, đấu thầu, phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị. Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị y tế ở trên địa bàn để ngăn ngừa, phòng, chống và đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm”, Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vấn đề này Chính phủ đã chỉ đạo phải thực hiện rất nghiêm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng và lãng phí.
Vấn đề về mặt quản lý, Bộ trưởng cho hay, các quy định của Đảng, Nhà nước trong tổ chức đối với các đơn vị về sự nghiệp công có quy định về Giám đốc và các Phó Giám đốc bệnh viện. Luật Khám, chữa bệnh và các hướng dẫn của Bộ Y tế đã cố gắng tách bạch riêng người quản lý về mặt tài chính. Song, một số địa phương do vấn đề về mặt tổ chức quản lý y tế theo địa bàn và quản lý nhân sự ở địa bàn đó là do UBND các tỉnh, thành phố nên Bộ Y tế không chỉ đạo được. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình đó, xây dựng các quy định, thể chế để cố gắng hạn chế tối đa những vấn đề sai phạm như trong thời gian qua.
Người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện
Chưa đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Y tế, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tranh luận: “Bộ trưởng có nêu lên vấn đề giải pháp tôi thấy chưa thỏa đáng”. Đại biểu phân tích, Bộ trưởng nói quy định phân công cho cấp phó chuyên phụ trách về những vấn đề kinh tế, để tránh việc sai phạm. Tuy nhiên, dù có phân công cho cấp phó, khi có sai phạm, người đứng trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm, quy trách nhiệm người đứng đầu. Nhiều việc có phân quyền, phân cấp cho phó, nhưng trưởng vẫn không thể không quyết định trong những tình huống khẩn cấp.
“Do vậy, trách nhiệm của người trưởng muốn gì cũng sẽ rơi vào những sai phạm mà có thể một cách vô thức như vừa qua”, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ.
Cũng theo đại biểu, hàng năm, đơn vị chức năng của cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải tiến hành duyệt quyết toán đối với việc sử dụng vốn ngân sách. Còn vốn của bệnh viện, của đơn vị tự quy định sẽ phải kiểm tra những hoạt động tài chính, kiểm tra các báo cáo, tờ trình.
“Những cơ quan chức năng có chuyên môn về vấn đề quản lý kinh tế mà không phát hiện ra những đơn vị đó sai phạm. Vậy làm sao các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ chỉ biết đọc bệnh án, giáo án phát hiện ra việc làm đúng hay sai để mà tránh. Nếu phát hiện ra sai phạm từ trước, ngăn chặn, cảnh báo, sao xảy ra hậu quả như vừa qua”, đại biểu băn khoăn, đồng thời cho rằng, để xảy ra những sai phạm đó, có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng của Bộ. Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ, những sai phạm sau khi đã có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mới phát hiện ra, những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm. Đại biểu đặt câu hỏi “Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án khi điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng có bỏ sót tội phạm hay không?”.
Lý giải, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo các quy định của Đảng, Nhà nước, người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động trong đơn vị của mình, kể cả những sai phạm, vì khi để xảy ra tình trạng sai phạm trong đơn vị, rõ ràng có trách nhiệm người đứng đầu trong thiết lập cơ chế làm việc, các quy định về mặt pháp luật để làm việc, các vấn đề về kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Khi để xảy ra vụ việc, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.
Còn tình trạng ngại mua sắm
Nói đến trách nhiệm của ngành Y tế theo địa bàn lãnh thổ, Bộ trưởng cho hay, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo về mặt chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo về vấn đề nhân lực, nhân sự, quản lý về tài chính, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc của ở những đơn vị y tế thuộc địa phương quản lý. Bộ Y tế đã tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành những vấn đề bức xúc xảy ra, những vấn đề liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, nhưng chỉ mang tính về mặt chuyên môn, còn thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh tế, tài chính, đấu thầu mua sắm… do các địa phương triển khai thực hiện.
“Chúng tôi cũng ý thức được điều này. Trong thời gian qua, những vi phạm trong vấn đề về quản lý đấu thầu mua sắm, Bộ Y tế liên tục có những văn bản nhắc nhở đối với các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ phải thực hiện rất nghiêm theo các quy định pháp luật có liên quan, kể cả trong vấn đề về đấu thầu mua sắm theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành Y tế thông tin, đối với phòng, chống dịch, chúng ta đã có Nghị quyết 30 của Quốc hội cho cơ chế đặc thù đặc cách và đặc biệt, Nghị quyết 79 và Nghị quyết 86 của Chính phủ đã cho phép một số cơ chế để áp dụng trong áp dụng tình trạng khẩn cấp để mua sắm. Tuy nhiên, các địa phương chưa áp triệt để được việc này và vẫn còn tình trạng ngại mua sắm. Ông bày tỏ hy vọng các địa phương sẽ đẩy nhanh tốc độ mua sắm theo đúng các quy định.
“Thủ tướng Chính phủ liên tục có chỉ đạo là phải đảm bảo công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong vấn đề về mua sắm. Chúng tôi trân trọng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc này và khi có những vi phạm, phải xử lý theo đúng các quy định pháp luật. Chúng ta mặc dù rất đau đớn nhưng vẫn phải làm theo các quy định của pháp luật, để làm sao trong sạch, lành mạnh hóa vấn đề về đấu thầu mua sắm trong lĩnh vực y tế, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa đảm bảo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, “phòng, chống dịch cũng phải hết sức tiết kiệm, vì chúng ta là nước đang rất khó khăn”. Thủ tướng đã giao cho Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Kiểm toán nhà nước trong năm 2022 sẽ thanh tra, kiểm toán rất sâu về chuyên đề huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn chuyện tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế với trách nhiệm quản lý nhà nước, tăng cường khâu hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra nội bộ trong ngành để ngăn chặn kịp thời các sai phạm, hướng dẫn các đơn vị làm cho đúng, tránh tình trạng đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc phải xử lý theo quy định pháp luật.