Bên lề Quốc hội, hai tân tư lệnh ngành đã chia sẻ những ý kiến của mình sau khi được Quốc hội phê chuẩn hai chức danh trên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái được quốc hội phê chuẩn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đạiCảm ơn Quốc hội đã tin tưởng phê chuẩn đề xuất của Thủ tướng Chính phủ để ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm to lớn mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao cho mình trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ trưởng, giao thông Vận tải ở bất kỳ giai đoạn nào đều có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Do vậy, giao thông luôn phải đi trước một bước để mở đường, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự phát triển bền vững của đất nước. Thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện ngân sách Nhà nước và đầu tư công rất eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, nguồn vốn vay ODA và huy động từ xã hội rất khó khăn là thách thức rất lớn cho bản thân Bộ trưởng và ngành Giao thông Vận tải.
Bộ trưởng đánh giá, hiện nay, giao thông vận tải đang là một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế, đồng thời là một trong ba khâu đột phá mà cả hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ. Do vậy, cá nhân bộ trưởng có rất nhiều công việc cần phải làm trên cương vị này. Trước mắt, Bộ trưởng và toàn ngành Giao thông Vận tải cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách như: Đề xuất phương án sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017-2020; sớm triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành; sớm hoàn thành các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đề xuất giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; giải quyết các tồn tại liên quan đến các dự án Xây dựng – Vận hành- Chuyển giao (BOT) giao thông...
Về vấn đề BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, giai đoạn vừa qua, cùng với các dự án nhà nước đầu tư, các dự án giao thông BOT đã tạo lên một diện mạo mới cho ngành giao thông cả nước, song các hạn chế cũng còn nhiều. Cách đây 3 - 4 năm, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung rất nhiều tâm huyết để cụ thể hóa Nghị định 108 của Chính phủ nhằm phát triển giao thông. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai chủ trương BOT, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận thấy có nhiều vấn đề đặt ra. Do vậy, Bộ đã chủ động mời Bộ Xây dựng cùng tham gia kiểm tra tại các địa phương, cùng với Bộ Tài chính, chính quyền các địa phương để xác định vị trí các trạm thu phí, triển khai các dự án BOT theo đúng quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề BOT. Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, nếu cần thiết, có thể nâng cấp Nghị quyết, Nghị định về BOT thành một pháp lệnh hoặc luật về PPP ( đầu tư theo hình thức đối tác công – tư), lúc đó sẽ thực hiện những dự án BOT theo đúng quy định pháp luật.
“Tôi nghĩ rằng làm cũng có đúng, có sai. Nhưng quan trọng là cái tâm của những người làm giao thông chúng tôi phải vì lợi ích chung, không tư túi, không vì lợi ích nhóm. Những người nào làm sai, có vấn đề, chắc chắn pháp luật sẽ xử lý nghiêm. Cuối cùng là phải làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp. Tôi nghĩ nếu không làm BOT, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không thể phát triển hạ tầng giao thông được”, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay.
Nhân dịp này, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng chia sẻ ý kiến của mình đối với ngành Giao thông Vận tải. Theo đó, ngành đã lập được nhiều kỳ tích và thành tựu trong quá khứ, tuy nhiên, trong tương lai còn rất nhiều việc phải làm. Trong giai đoạn này, hơn bao giờ hết, ngành Giao thông Vận tải phải có bước đi đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong sẽ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, địa phương; sự ủng hộ của nhân dân và các cơ quan truyền thông, đặc biệt là sự đoàn kết thống nhất, đồng tâm hiệp lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Giao thông Vận tải. Cá nhân Bộ trưởng sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành tốt nhất các chức trách và nhiệm vụ được giao.
Khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận Thanh traPhát biểu sau khi nhận nhiệm vụ, tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước, nhiệm vụ trong thời gian tới đối với ngành Thanh tra là rất nặng nề. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết sẽ cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của ngành thanh tra đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng công tác quản lý Nhà nước và thực hiện hoạt động thanh tra nhằm duy trì thực thi pháp luật, thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy hành chính Nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định pháp luật.
Tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng giao cho ngành, nhất là thanh tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm.
Ngành tiếp tục thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết 63/2013/QH13 của Quốc hội; kết thúc sớm các cuộc thanh tra vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, các cuộc thanh tra trọng tâm về kinh tế do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Toàn ngành chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thời gian báo cáo kết quả thanh tra, kịp thời ban hành và công khai kết luận Thanh tra, cố gắng khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận Thanh tra; chuyển các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật; khắc phục những hạn chế trong giám sát và xử lý sau thanh tra, quyết liệt trong đôn đốc việc thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của thanh tra. Thanh tra Chính phủ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xử lý theo thẩm quyền các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố cáo, bảo đảm chất lượng và tính khả thi, nhất là Luật Phòng chống tham nhũng. Đồng thời, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy trình, quy định về hoạt động Thanh tra, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời tham mưu cho Chính phủ giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ phân công.
Ngành đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thi hành công vụ, tăng cường kiểm soát chất lượng thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thanh tra; động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm đối với những cán bộ ngành Thanh tra vi phạm quy định của pháp luật và quy định của ngành.