Phú Thọ là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập lớn thứ 3 của cả nước với gần 30% số xã. Với khối lượng công việc lớn, thời gian cấp bách, tỉnh đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo việc sáp nhập đúng lộ trình đề ra.
Triển khai Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 32 của Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành xây dựng đề án tổng thể sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2020.
Theo đề án, tỉnh sẽ tiến hành sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị cấp huyện. Sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 225 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 52 đơn vị (bằng 18,77%) so với trước khi sắp xếp. Việc sắp xếp, sáp nhập được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công khai, dân chủ, theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
HĐND tỉnh đã Ban hành nghị quyết thông qua Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019 - 2021. Theo lộ trình, ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập đơn vị hành chính mới, các xã thành lập sau sáp nhập sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy đi vào hoạt động trong tháng 12/2019, để tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Với số lượng đơn vị cấp xã thuộc diện sáp nhập lớn, thời gian triển khai cấp bách, để đảm bảo đồng thuận trong toàn dân là việc không đơn giản. Với quyết tâm chính trị cao, Phú Thọ đã làm tốt công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân nên các phương án sáp nhập xã đều được cử tri thống nhất cao với tỷ lệ trên 98-99 %, nhiều địa phương đạt 100% số phiếu.
Đạt được kết quả đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình địa phương, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Điển hình là huyện Hạ Hòa. Đây là một trong những huyện có số xã sáp nhập lớn nhất của tỉnh với 33 xã. Sau khi sáp nhập, số đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện còn 20 xã (giảm 13 xã).
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, Hạ Hòa đã khẩn trương rà soát, đánh giá tiêu chí và quyết tâm sớm hoàn thành việc sáp nhập. Đồng thời, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện trên cơ sở thực trạng về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, xây dựng lộ trình cụ thể cả giai đoạn và từng năm.
Để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, huyện Hạ Hòa tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng người làm việc…
Bà Nguyễn Thị Thành, khu 3, xã Hậu Bổng, huyện Hạ Hòa chia sẻ: Sắp tới, 4 xã: Hậu Bổng, Đan Hà, Đan Thương, Liên Phương sẽ sáp nhập thành một xã. Mặc dù phải đi lại xa hơn để đến trung tâm xã mới nhưng người dân chúng tôi vẫn rất phấn khởi ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Người dân mong muốn sau khi sáp nhập, chính quyền mới tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các giấy tờ, thủ tục liên quan ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Bà Lương Thị Hoàng Yến, Trưởng khu 4, xã Hậu Bổng, huyện Hạ Hòa cho biết, việc sáp nhập cũng tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của nhân dân 4 xã, nhất là vị trí trụ sở làm việc, việc đặt tên xã mới, sử dụng các thiết chế văn hóa, giáo dục… Mỗi thôn, mỗi xã đều có nét văn hóa, sinh hoạt riêng, nhất là tên các đơn vị hành chính thường gắn bó chặt chẽ với các yếu tố đặc điểm, điều kiện địa lý tự nhiên. Vì vậy, việc đặt tên xã sau khi sáp nhập phải phát huy được các yếu tố tích cực của địa danh. Tên các xã phản ánh kế thừa lịch sử văn hóa, vừa mang tính chất cách mạng. Vị trí đặt trụ sở mới cần thuận lợi về giao thông, là trung tâm kết nối kinh tế, xã hội của cả vùng.
Theo Chủ tịch UBND xã Hậu Bổng Vũ Xuân Thưởng, xã Hậu Bổng sẽ sáp nhập với 3 xã Đan Hà, Đan Thương, Liên Phương. Xã mới lấy tên xã Đan Thượng, trụ sở xã dự kiến đặt tại xã Đan Thương hiện nay. Ban đầu, không chỉ người dân mà cả cán bộ cũng có những băn khoăn, lo lắng khi sáp nhập, địa hình xa hơn, việc giải quyết thủ tục hành chính và sinh hoạt Đảng hàng tháng sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Muốn người dân đồng thuận, trước hết cán bộ, đảng viên phải thông, trên dưới đoàn kết, mỗi cán bộ, đảng viên trở thành một tuyên truyền viên đến từng gia đình, họ hàng, người thân của mình. Việc tổ chức hội nghị cử tri đến việc lập danh sách, niêm yết danh sách và thành lập tổ lấy ý kiến cử tri đều được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ. Nhờ đó, việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định, hoàn thành trong một ngày. Qua lấy ý kiến, trên 99%% cử tri trong xã đồng ý sáp nhập và đặt tên xã mới.
Lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Hạ Hòa đánh giá, các địa phương đã thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, bàn bạc trong cấp ủy, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để xây dựng Đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm sát với tình hình cơ sở, theo đúng tinh thần chỉ đạo tỉnh. Đồng thời, các địa phương đã kịp thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên việc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã nhận được sự đồng thuận cao từ quần chúng nhân dân.
Với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tỉnh Phú Thọ, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ trong việc thực hiện sáp nhập theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.
Bài 2: Khó sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư