Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi làm việc.
|
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận Châu Thị Thanh Hà báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 Khóa XII; tình hình triển khai Chỉ thị số 26/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ; kết quả thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng biên chế, tinh giản biên chế tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn. Về công tác tổ chức bộ máy, sử dụng biên chế, tinh giản biên chế; tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính nhà nước; cải cách hành chính; xây dựng chính quyền đã được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Ninh Thuận đang đẩy mạnh công tác rà soát, thực hiện nghiêm việc chuẩn hóa chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, kể từ ngày 1/1/2018 kiên quyết không thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với các trường hợp không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Riêng đối với 53 trường hợp bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý không đáp ứng đầy đủ một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học theo kết quả thanh tra của Bộ Nội vụ; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cá nhân bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trước ngày 1/1/2018; đồng thời các trường hợp nêu trên đang theo học các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị để chuẩn hóa chức danh theo quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận kiến nghị, Bộ Nội vụ nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; ban hành văn bản quy định, hướng dẫn về mô hình Văn phòng chính quyền địa phương khi hợp nhất Văn phòng Ủy ban nhân dân, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Bên cạnh đó, xem xét chế độ, chính sách đặc thù hoặc kéo dài thời gian hưởng phụ cấp để thu hút cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung cơ chế, quy định về thực hiện chuyển đổi vị trí công tác gắn với quy định về bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác tại các ngành nghề, lĩnh vực nhạy cảm hiện đảm nhận nhiệm vụ theo nhiệm kỳ bổ nhiệm. Tỉnh cũng đề nghị bộ, ngành Trung ương cần tăng quỹ phụ cấp khoán đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; thôn, khu phố đối với các tỉnh nghèo.
Các thành viên Đoàn công tác Bộ Nội vụ đã lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, nhận xét, đánh giá những ưu điểm, kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao những nỗ lực, kết quả của tỉnh Ninh Thuận về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị, Ninh Thuận cần tiếp tục tăng cường quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách chế độ công vụ, công chức gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW, Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XII) về công tác cán bộ.
Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tìm giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, Par Index, PAPI); tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan, đơn vị có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở cần đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.