Sau nội dung này, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với đa số đại biểu tán thành.
Nghị quyết nêu rõ: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực nhiều mặt đến kinh tế thế giới và nước ta.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là: Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số…
Sau đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung trên.
Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Quan tâm đến vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phải tính toán quỹ đất dành cho giao thông. Theo đại biểu, hiện nay các tỉnh, thành phố đều có quỹ đất hạn hẹp, trong khi nhu cầu giao thông đường bộ rất lớn. Những hệ thống giao thông khác như đường sắt đô thị, đường sắt liên vận… để thay thế và phụ trợ hạn chế. Vì thế, phải có sự quy hoạch tổng thể và người đứng đầu phải có tầm nhìn. “Quỹ đất dành cho giao thông phải có. Nếu không, cứ làm đường xong, nhà ở, dịch vụ phát triển dẫn đến nhu cầu quá lớn; từ đó tình trạng ùn tắc, kẹt xe vẫn xảy ra”, đại biểu chỉ rõ.
Nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thực tế cho thấy, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông nói chung, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, gây phiền hà và làm giảm niềm tin trong nhân dân… Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để ban hành luật riêng và cho rằng, nếu tách ra sẽ không bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất, dễ dẫn tới chồng chéo.
Trong phiên họp chiều, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng.
Sau khi thảo luận ở Đoàn, Quốc hội đã bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ với hai thành viên Chính phủ trên, với 458/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,02% tổng số đại biểu Quốc hội.
Tiếp đó Quốc hội nghe: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Sau nội dung này, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam. Tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần cung cấp đầy đủ hồ sơ, đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trước khi trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Thời gian còn lại của buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam. Tham gia biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam có 462 đại biểu (bằng 95,85% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 456 đại biểu tán thành (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội).
Ngày 12/11, trong phiên họp sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và tiến hành công tác nhân sự.
Phiên họp chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Quốc hội họp riêng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung trên và dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.