Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội dành 2 ngày (27 - 28/10) thảo luận về 3 nội dung. Theo đó, Quốc hội thảo luận Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;
Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý). Nội dung thảo luận thứ ba là việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết số 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại Tổ và có 205 lượt ý kiến phát biểu về kinh tế - xã hội; 83 lượt ý kiến về ngân sách và 33 lượt ý kiến về tổng kết Nghị quyết số 54. Các nghị quyết thảo luận đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu tiếp thu.
Thời gian thảo luận tại hội trường về các nội dung là 2 ngày, trong đó 1,5 ngày đầu sẽ thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách; 0,5 ngày cuối cùng sẽ tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách, cùng với việc tổng kết Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị. Trong đó tập trung vào các vấn đề thách thức cần phải vượt qua, các bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách.
Các đại biểu cho ý kiến về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác; vướng mắc trong mua sắm công, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…
Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung làm rõ như ổn định của hệ thống tín dụng, thực trạng của thị trường trái phiếu chứng khoán, bất động sản, xu hướng giảm sút thu hút vốn đầu tư nước ngoài; làm rõ căn cứ xác định chỉ tiêu CPI; số bác sĩ, số giường bệnh/vạn dân; nguyên nhân và trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư không đạt yêu cầu; giải pháp để củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; các nội dung liên quan đến các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và Chính phủ như: Đề nghị xây dựng dự toán thu tích cực hơn, thuyết minh cụ thể, rõ ràng hơn về tỷ lệ điều tiết, không đưa vào dự toán chi các khoản chưa đủ căn cứ, điều kiện, không kiến nghị các nội dung chưa rõ, chưa cụ thể, không giao Chính phủ phân bổ các khoản chưa đủ điều kiện phân bổ của ngân sách trung ương…
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, những nội dung trùng với ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước thì chỉ cần thể hiện chính kiến, tránh trùng lắp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có trên 140 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thảo luận trong đầu giờ thảo luận.
Tiếp sau đó, các đại biểu Quốc hội bắt đầu tiến hành phát biểu thảo luận.