Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, địa phương.
Tại hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã giới thiệu một số nội dung trong Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Theo đồng chí Mai Văn Chính, Quy định số 96-QĐ/TW đã có sự kế thừa Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, cũng cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.
Điểm mới đáng chú ý của Quy định số 96-QĐ/TW là các điều khoản được cụ thể hóa, chặt chẽ và nghiêm minh hơn. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm được xác định là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Đây là “bước tiến”, khẳng định vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm bởi trước đó, trong Quy định số 262-QĐ/TW nêu, phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang “tính chất tham khảo quan trọng” mà đã trở thành nội dung quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ.
Bên cạnh đó, đối với tiêu chí lấy phiếu, Quy định số 96-QĐ/TW cũng bổ sung kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát... Các tiêu chí được xây dựng theo hướng cụ thể hơn, giảm thiểu các yếu tố “định tính” trong lấy phiếu tín nhiệm.
Giới thiệu Quy định số 97-QĐ/TW ngày 7/2/2023 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương, đồng chí Mai Văn Chính nhấn mạnh, đây là văn bản mới thay thế Quy định số 172-QĐ/TW, ngày 7/3/2013 của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương.
Trong đó, Quy định số 97-QĐ/TW bổ sung nhiệm vụ lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành quy định, chủ trương của Đảng; phối hợp với các cấp ủy đảng thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong đảng bộ; triển khai thí điểm một số chủ trương mới theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; lãnh đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức, bộ máy và biên chế, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo phân cấp…
Một điểm mới quan trọng của Quy định số 97-QĐ/TW là Đảng đoàn MTTQ Việt Nam do Bộ Chính trị quyết định thành lập, thành viên của Đảng đoàn do Bộ Chính trị quyết định trên cơ sở đề nghị của Đảng đoàn (trong Quy định số 172-QĐ/TW, thành viên Đảng đoàn MTTQ Việt Nam do Ban Bí thư quyết định). Về chế độ làm việc, thay vì họp định kỳ 3 tháng một lần theo Quy định số 172-QĐ/TW, nay đảng đoàn, ban cán sự đảng họp định kỳ 1 tháng một lần, họp chuyên đề và đột xuất khi cần và chỉ được thực hiện khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự.
Về Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 27/12/2022 của Ban Bí thư thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên, đồng chí Mai Văn Chính khẳng định, thông qua thực hiện thí điểm để đánh giá đầy đủ, rút kinh nghiệm, đề xuất chủ trương, giải pháp phù hợp. Hướng dẫn số 03-HD/TW đã chỉ rõ phạm vi, đối tượng thực hiện thí điểm; các nguyên tắc, nội dung và cách thức tổ chức sinh hoạt trực tuyến, sinh hoạt theo tổ đảng. Hướng dẫn có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 30/6/2025.
Cũng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương) giới thiệu một số điểm chính trong Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW, ngày 3/1/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, so với Hướng dẫn số 37-HD/BTCTW, ngày 4/8/2015 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW sửa đổi, bổ sung một số điểm mới.
Cụ thể là, mở rộng điều kiện đăng ký dự tuyển đối với các vị trí việc làm công chức làm việc trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; sửa đổi một số nội dung về thẩm quyền tuyển dụng và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng ở địa phương và 2 cơ quan Đảng ủy Khối ở Trung ương; sửa đổi nội dung về phối hợp tổ chức kỳ tuyển dụng chung ở địa phương giữa khối đảng, Mặt trận Tổ quóc và các tổ chức chính trị - xã hội với khối chính quyền địa phương, các địa phương có số lượng tuyển dụng ít có thể phối hợp tổ chức tuyển dụng chung...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là vấn đề mới, trước đây đã có Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị. Trong quá trình tổng kết Quy định số 262-QĐ/TW, ngoài những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế: một bộ phận người đứng đầu cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, vẫn còn nể nang, dĩ hòa vi quý, tinh thần phê bình, tự phê bình chưa cao, có biểu hiện lợi ích nhóm, một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
“Tới đây trong quá trình thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW cần khắc phục triệt để vấn đề này. Nếu thực hiện ko nghiêm thì chứng tỏ nghị quyết, quy định của Đảng chưa đi vào cuộc sống”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh; đồng thời nêu rõ cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và những người tham gia vào quá trình lấy phiếu tín nhiệm; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tham gia giám sát, phản ánh để việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm trong năm nay đạt kết quả thực chất, là căn cứ quan trọng để Đảng quy hoạch, bố trí, sử dụng những người có phiếu tín nhiệm cao, đồng thời có phương án bố trí, sắp xếp đối với người đạt tín nhiệm thấp.
Về Quy định số 97-QĐ/TW, trong năm nay Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục tham mưu văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở địa phương. Theo đồng chí Trương Thị Mai, nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của đảng đoàn, ban cán sự đảng, trong khi đây là tổ chức bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng tại cơ quan, đơn vị; việc xây dựng và vận hành quy chế làm việc ở một số tổ chức còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ nguyên tắc hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; sự phối hợp giữa đảng đoàn, ban cán sự đảng với tập thể lãnh đạo thiếu nhịp nhàng, hiệu quả.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng bám sát các nội dung trong Quy định số 97-QĐ/TW, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành quy chế làm việc cần tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của Đảng.
Đối với Hướng dẫn số 03-HD/TW, việc xây dựng hướng dẫn xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Đảng ủy Bộ Ngoại giao và ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cần nghiên cứu kỹ để quyết định lựa chọn tổ chức đảng thực hiện thí điểm, lưu ý không được mở rộng đối tượng, phạm vi thực hiện gây ảnh hưởng đến tính chất đặc thù, hoàn cảnh đặc biệt.
Về Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW, các nội dung được nêu trong hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng, trong quá trình thực hiện các cấp ủy, tổ chức đảng có vướng mắc thì gửi câu hỏi về Ban Tổ chức Trung ương để được giải đáp kịp thời.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, các văn bản mới được quán triệt lần này là kết quả của quá trình nghiên cứu, sơ kết, tổng kết, qua đó có thể thấy trong quá trình thực hiện, ngoài những kết quả tích cực vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, sửa chữa.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu kỹ các văn bản mới được ban hành về công tác tổ chức xây dựng Đảng, quán triệt đầy đủ trong cán bộ, đảng viên, đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng tốt hơn, để cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng.