CPI bình quân năm 2017 ước tăng 3,52%Theo báo cáo của nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo, mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2017 biến động theo hướng tăng thấp trong những tháng đầu năm, giảm trong quý II và tăng dần trở lại trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 ước tăng khoảng 3,52% so với năm 2016.
Các yếu tố là tăng CPI năm 2017 gồm giá một số hàng hóa, dịch vụ (y tế, giáo dục, điện…) được điều chỉnh tăng theo lộ trình thị trường; biến động tăng của giá xăng, dầu và một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước qua kênh nhập khẩu; giá vật liệu xây dựng trong đó giá cát tăng mạnh. Ngoài ra, mức lương tối thiểu tăng từ ngày 1/1/2017 và lương cơ sở tăng từ 1/7/2017; nguồn cung một số mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng cục bộ tại một số địa phương bị bão lụt làm tăng giá mặt hàng này tại một số thời điểm.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, công tác chỉ đạo điều hành giá năm 2017 đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 do Chính phủ, Quốc hội đề ra. Công tác quản lý, điều hành giá đã có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý vĩ mô thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá, đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá.
Trong điều kiện tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo, theo dõi sát sao, điều hành giá chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Lạm phát năm 2017 đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%, cung cầu thị trường được đảm bảo; điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, năm 2017 là năm có bước đột biến trong chỉ đạo điều hành về giá, thể hiện trên nhiều mặt: Kịch bản điều hành giá sát với diễn biến thị trường, xác định được từng mặt hàng thiết yếu và liên hệ tới sự thay đổi giá của các mặt hàng khác, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan. “Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu ngay từ đầu năm, khi các chỉ số giá các mặt hàng khác trong tầm kiểm soát mới điều chỉnh giá điện và làm rõ thời điểm nào mới điều chỉnh, đồng thời đánh giá từng chi tiết nhỏ liên quan tới giá điện. Chúng ta đã chuẩn bị chu đáo việc điều chỉnh vào đầu tháng 12/2017 và làm tốt công tác truyền thông để an lòng thị trường”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn chứng.
Về kết quả điều hành giá xăng dầu, trong năm 2017, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 24 văn bản điều hành giá xăng, dầu trong nước, kết hợp điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước với mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu nhằm hạn chế tác động đến CPI chung. So với cuối năm 2016, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu hiện tại biến động tăng khoảng 5,32% - 16,44%. Ngoài ra, năm 2017, giá mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi tương đối ổn định, nhận được sự đồng thuận cao từ người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, thực hiện việc giảm giá dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh (BOT) theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, từ giữa năm 2017, nhiều trạm thu phí đã giảm mức thu. Hiện nay, 45/51 trạm BOT đạt được thỏa thuận quyết toán đã thực hiện giảm phí. Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với nhà đầu tư, ngân hàng đàm phán phương án tài chính để giảm phí ở các trạm còn lại.
Đối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đối với việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có bảo hiểm y tế trong phạm vi khung giá quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT, tính đến ngày 26/12/2017 đã có 45/63 Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết quy định mức giá cụ thể áp dụng tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc địa phương quản lý.
Đối với dịch vụ giáo dục, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thông tin, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, các tỉnh đã tăng học phí các cấp học, tập trung nhiều vào tháng 9 tác động đến CPI bình quân năm 2017 khoảng 0,49%. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức học phí quy định tại Nghị định 86 vẫn còn rất thấp, mức học phí mới tăng không nhiều so với khung học phí cũ.
Bảo đảm cung ứng hàng hóa TếtKỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%. Các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá, tuy chỉ tiêu tốc độ tăng CPI năm 2018 tương đương với chỉ tiêu năm 2017 nhưng công tác quản lý điều hành giá trong năm 2018 dự báo vẫn phải thận trọng.
Dự báo, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc Quỹ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tác động vào CPI khoảng 0,17%. Giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8% - 10% trong năm 2018, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung của năm 2018. Ngoài ra, giá điện trong 6 tháng đầu năm 2018 dự kiến ổn định, trong 6 tháng cuối năm sẽ biến động tùy thuộc vào kết quả kiểm toán giá điện. Giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 5-15% sẽ tác động vào CPI chung khoảng 0,28-0,64%.
Bên cạnh đó, giá lương thực dự kiến tăng trong năm 2018 do nguồn cung gạo thế giới dự báo giảm; giá thịt lợn dự kiến tăng trở lại sau khi đã giảm sâu trong năm 2017. Để thực hiện hiệu quả công tác điều hành giá năm 2018, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục phát huy tính chủ động của từng bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ trong liệt kê, đánh giá từng loại hàng hoá trong cân đối vĩ mô nói chung.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định công tác quản lý giá năm 2017 tiếp nối thành công 2016 sát với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Các bộ, ngành chủ động, tích cực trong điều hành, phối hợp điều hành các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông đã đưa tin kịp thời, khoa học về công tác điều hành giá, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, công chúng đối với Chính phủ, các bộ, ngành, không tạo ra lạm phát kỳ vọng. Từ phân tích, nhận định của các bộ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng: “Chính phủ hoàn toàn đủ khả năng kiểm soát lạm phát năm 2018 trong mức Quốc hội giao dưới 4%”.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính điều hành thu chi ngân sách chặt chẽ theo dự toán, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, đầu tư công, đầu tư toàn xã hội. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt theo diễn biến thị trường cả về lãi suất, tỷ giá, tín dụng theo mức lạm phát cơ bản tăng từ 1,6 - 1,8%, bảo đảm cơ cấu và chất lượng tín dụng để phòng ngừa những biến động tiền tệ.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế tính toán thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ Bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh còn lại, đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ; tăng cường quản lý giá biệt dược, giá thuốc bán lẻ, giảm giá thuốc từ 10- 15%.
Bộ Giao thông Vận tải đàm phán với các nhà đầu tư, ngân hàng điều chỉnh giá BOT đối với các trạm đã quyết toán, ưu tiên giảm phí hơn giảm thời gian thu phí, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường kết nối logistic để giảm chi phí, gia tăng giá trị cho nền kinh tế.
Về giá dịch vụ giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán cơ chế để các trường đại học đăng ký mức độ tăng, thời điểm tăng giá học phí, phối hợp với các ngành khác, phân bổ thời điểm tăng giá các loại dịch vụ, tránh tác động bất lợi.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bảo đảm cung ứng hàng hóa trong thời điểm lễ tết, không chủ quan về giá thịt lợn với trường hợp thiếu hụt nguồn cung vào Quý II/2018.