Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các y bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngay khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, bệnh viện là nơi tiếp nhận, điều trị những ca bệnh nặng về lao, phổi, đường hô hấp... Đặc biệt, trong thời gian qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đã chủ trì, phối hợp triển khai Chương trình Chống lao Quốc gia rất hiệu quả.
Hai năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Phổi Trung ương đã cũng với toàn bộ lực lượng ngành Y tế, Quân đội, Công an và toàn dân, tham gia phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu, với tinh thần “chấp nhận mọi khó khăn, rủi ro” và đã có cả những sự hy sinh, mất mát.
Trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với nhiều y bác sỹ của các bệnh viện tuyến Trung ương vào chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam, trong đó có Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc chia sẻ và nhớ lại thời gian phòng, chống dịch để động viên lẫn nhau, cùng với chính quyền các cấp, nỗ lực và cố gắng hết sức trong công tác phòng, chống dịch, vì sức khỏe, tính mạng của người dân.
Dù tình hình dịch bệnh trong nước có những dấu hiệu khả quan với tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, các lực lượng chống dịch, nhất là ngành Y tế, vẫn phải hết sức cảnh giác, lường trước những tình huống xấu như có thể xuất hiện biến chủng mới. Phó Thủ tướng lưu ý toàn lực lượng không được lúng túng, bị động.
“Chúng ta làm hết sức, bằng tất cả tấm lòng. Trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, không chỉ phòng, chống các bệnh đường hô hấp, dịch COVID-19 mà cả những dịch bệnh có thể xuất hiện trong tương lai, đội ngũ y tế vẫn là lực lượng nòng cốt của nòng cốt trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Từ kinh nghiệm triển khai Chương trình Chống lao Quốc gia, các bệnh đường hô hấp, dịch COVID-19, Phó Thủ tướng mong muốn, Bệnh viện Phổi Trung ương phát huy nhiệm vụ được giao, đưa ra những kiến nghị ở tầm sâu và dài hơi hơn về hệ thống phòng, chống bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp; từ đó, sẵn sàng với các loại dịch bệnh trong tương lai.
Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế thành phố tiếp tục quán triệt đến người dân tinh thần, đón Tết ấm áp, vui tươi nhưng phải bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa tụ tập, giao lưu đông người. “Dù đa phần người mắc có triệu chứng nhẹ nhưng số lượng tăng quá nhanh, vẫn có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế, rất nguy hiểm”, Phó Thủ tướng nêu.
Đánh giá cao Hà Nội có các mô hình triển khai tiêm vaccine hiệu quả để tháo gỡ khó khăn trong việc “tiêm vét” vaccine cho người già, người có bệnh nền với sự hỗ trợ, tham gia của các bệnh viện, Phó Thủ tướng đề nghị đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng, hệ thống điều trị nói chung, đồng lòng, chung sức, không chỉ trong công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 mà cả những bệnh khác, vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Đến thăm Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc quận Ba Đình, Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về công tác chăm sóc các F0 đang điều trị tại nhà trên địa bàn. Theo đó, đến nay, phường Vĩnh Phúc có 195 F0 đang điều trị tại nhà. Hàng ngày, 19 cán bộ, nhân viên của Trạm chia làm 2 kíp trực để tiếp nhận thông tin từ người dân, cấp phát thuốc, kít xét nghiệm, tư vấn điều trị, xử trí ban đầu những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng…
Trạm hoạt động dưới sự hỗ trợ của tổ dân phố, các đoàn thể trong hoạt động chuyên môn; hướng dẫn các F0 đang điều trị tại nhà tự lấy mẫu xét nghiệm, cập nhật kết quả qua mạng…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Y tế Hà Nội cần phát huy năng lực, cách làm sáng tạo từ cơ sở để giảm tải, giữ sức cho đội ngũ y bác sỹ, đồng thời nâng cao ý thức, sự chủ động của người dân trong phòng, chống dịch.
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm, kiểm tra việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 tại nhà cho cụ Ngô Thị Đức (sinh năm 1930), ở tại số 22, khu 45 căn hộ, phường Vĩnh Phúc; động viên và chúc sức khỏe cụ Ngô Thị Đức nhân dịp Tết Nguyên đán 2022 cận kề.
Thực hiện Chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân 2022, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, từ 29/1 (tức 27 tháng Chạp), ngành Y tế và các cấp, ngành liên quan làm việc xuyên Tết, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ các đối tượng được chỉ định, nhất là với những người cao tuổi, người có bệnh nền.