Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Đây là hoạt động kiểm tra thường xuyên của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với địa bàn được giao quản lý, chỉ đạo theo sự phân công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, thời gian gần đây công tác phòng, chống tham nhũng đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh mẽ, đạt được kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm.
Điều này đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tuy vậy, trên bình diện chung, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công… còn để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế.
Một số bộ, ngành, địa phương còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; chưa kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, tỉnh Lào Cai những năm qua đã đạt được nhiều tiến bộ trên các lĩnh vực, đặc biệt xếp hạng cao của cả nước ở chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công..., những biểu hiện vi phạm tham nhũng không nhiều nhưng không phải là không có, đòi hỏi cấp ủy lãnh đạo địa phương không được chủ quan, phải kiên định liên tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng để duy trì và phát huy tốt những thành tích đã đạt được.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, trước hết phải là sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương.
Hoạt động kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng và cần thiết nhưng không thể làm thay vai trò tổ chức thực hiện của các địa phương.
“Thông qua việc kiểm tra này, tôi mong rằng sẽ cùng địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, tìm ra nguyên nhân của tồn tại, yếu kém, sơ hở trong quản lý để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết: Công tác phòng, chống tham nhũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành.
Xác định đây là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, Tỉnh ủy Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng trong hơn 2 năm đạt kết quả tích cực, kiểm soát được tình hình tham nhũng, không để xảy ra diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Lào Cai xác định tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, gắn với đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, liêm chính, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.