Tại buổi làm việc, theo báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về công tác phòng, chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy, do đặc thù của ngành ít có những dự án, đề án sử dụng nhiều vốn ngân sách, các đơn vị sự nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị là chủ yếu, Ban cán sự, lãnh đạo Bộ gương mẫu, chỉ đạo sát sao công tác phòng chống tham nhũng, công tác kiểm tra, giám sát được nghiêm túc thực hiện nên có thể khẳng định không có, hoặc ít nhất cho đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện vụ việc tham nhũng của cá nhân hay tập thể, không có trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng trong đơn vị, không có sai phạm, tội phạm kinh tế.
Bộ Ngoại giao không có công dân đến khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng chống tham nhũng. Trong 9 tháng qua, Bộ Ngoại giao tiếp nhận 111 đơn, thư phản ánh, kiến nghị (giảm 41% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 34 đơn, thư thuộc thẩm quyền với nội dung đề nghị hướng dẫn về thủ tục hoặc phản ánh quy trình nộp, cấp hồ sơ lãnh sự tại các Cơ quan đại diện. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị và Cơ quan đại diện hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh, kết quả kiểm tra cho thấy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng nhất là trong cải cách hành chính, luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí việc làm, quản lý chi tiêu ngân sách, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của công chức, viên chức...
Trong thời gian tới, Thượng tướng Tô Lâm, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề nghị, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng. Bộ Ngoại giao khẩn trương xây dựng Chương trình hành động về phòng, chống tham nhũng, bám sát mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nội dung chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Ngoại giao; chống tư tưởng chủ quan, tích cực, chủ động hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị toàn ngành Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, có cơ chế bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng. Bộ Ngoại giao tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, bao che tham nhũng trong cơ quan đơn vị, thực hiện nghiêm quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kết hợp giám sát thường xuyên với tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất những nơi có nguy cơ tham nhũng cao, nơi có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng.
Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, cải cách hành chính, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản công, có giải pháp khắc phục tính hình thức của việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ; có giải pháp hữu hiệu về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, nhất là trong công tác cán bộ, các cơ quan đại diện nước ngoài.
Thượng tướng Tô Lâm, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lưu ý, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục tham mưu với Chính phủ thực hiện đầy đủ cam kết phòng, chống tham nhũng theo Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC); nghiên cứu để tham mưu tốt lộ trình tham gia Hiệp ước Chống hối lộ; tích cực chủ động hơn nữa trong phối hợp, theo dõi, đánh giá hiệu quả thực thi các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ tội phạm; duy trì, củng cố quan hệ với các quốc gia để thực hiện có hiệu quả hiệp định đã ký kết, phát huy vai trò trong đàm phán ký kết các hiệp định mới, nhất là với các quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống; chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng hợp tác truy bắt, đàm phán về dẫn độ tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng thu hồi tài sản do phạm tội mà có bị tẩu tán ra nước ngoài khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng. Bộ Ngoại giao cần làm tốt hơn nữa chức năng hướng dẫn báo chí nước ngoài, thông tin đầy đủ, kịp thời về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta trên trường quốc tế, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc, sai sự thật về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta trên báo chí nước ngoài, diễn đàn quốc tế; đấu tranh với các thế lực phản động lợi dụng việc chống tham nhũng của ta để gây chia rẽ nội bộ, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.