Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Thái Bình thông báo đến cử tri nội dung chương trình Kỳ họp thứ 4 dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20/10-18/11. Theo đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.
Quốc hội sẽ xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.
Đa số cử tri Thái Bình nhất trí cao với dự kiến nội dung chương trình kỳ họp. Cử tri đánh giá cao những biện pháp điều hành kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ thực hiện nhằm phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân.
Cử tri Trần Tấn Đạt (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) bày tỏ lo ngại trước thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh của người dân hiện nay tại nhiều cơ sở y tế công lập. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Về vấn đề đất đai, cử tri Dương Xuân Hoan (thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có văn bản quy định chung về giá hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch các khu công nghiệp, xây dựng công trình phục vụ lợi ích chung, tránh tình trạng giá khác nhau. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cần có quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp, cá nhân mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp phục vụ mục đích thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, không để xảy ra tình trạng mức giá chênh lệch cao gấp nhiều lần so với mức giá Nhà nước hỗ trợ, gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng những vùng quy hoạch phục vụ công trình công cộng.
Cử tri Nguyễn Duy Cảm (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) nêu vấn đề, hiện nay sản xuất nông nghiệp của nông dân còn gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, giống, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đã xuống cấp. Do vậy, cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đầu tư dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đặc biệt là đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đối với Luật đất đai sửa đổi, cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu việc sửa đổi theo hướng giảm thời gian, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Cử tri còn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục như: chính sách hỗ trợ giá phân bón, thuốc trừ sâu cho sản xuất nông nghiệp; về phương pháp đánh giá chuẩn hộ nghèo; giải quyết chế độ với người hoạt động kháng chiến, người nhiễm chất độc hóa học; cải cách tiền lương; vấn đề thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục và nhân viên y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh…
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến sẽ được gửi đến các cấp có thẩm quyền giải quyết và tổng hợp trình Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong kỳ họp tới. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thái Bình ghi nhận và sớm giải quyết.
Riêng về vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết có nhiều nguyên nhân làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ đang khẩn trương tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sớm ổn định trang thiết bị, vật tư y tế, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.