Vấn đề gây nhiều băn khoăn trong thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính, giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào, ý kiến còn khác nhau.
Đối với HĐND cấp huyện, đa số ý kiến thống nhất giảm số lượng. Đối với HĐND cấp tỉnh, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm hai Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm hai Phó Trưởng ban) hoặc quy định linh hoạt hơn.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất hai phương án tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Thứ nhất, tiếp thu ý kiến của đa số ý kiến đại biểu Quốc hội trong việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn một người.
Thứ hai, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, đề xuất hai phương án. Trong đó, phương án 1 quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có hai đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách, bố trí một Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
Trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, bố trí hai Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (phương án này là sự kết hợp phương án 2 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội). Phương án 2, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh từ hai người xuống còn một người (như phương án 1 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình). Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất lựa chọn phương án 1 như ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quan điểm trong các nghị quyết của Đảng là để nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của cơ quan dân cử, phải hướng tới ngày càng tăng số lượng chuyên trách và nâng cao chất lượng của cơ quan dân cử để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực. Ý kiến cho rằng thời gian qua, hai Phó Chủ tịch HĐND ở địa phương là làm tăng biên chế là không đúng, bởi trước đây HĐND vẫn có một Phó Chủ tịch và một Ủy viên thường trực, nay không để chức danh Ủy viên thường trực đưa lên thành Phó Chủ tịch.
“Đề xuất giảm không có cơ sở, vừa rồi, Quốc hội và các HĐND họp đều đề nghị không giảm số lượng này”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, có thể giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, nhưng ở tỉnh phải cân nhắc, ở tỉnh phải có hai Phó Chủ tịch.
Chủ tịch Quốc hội cho biết đã trao đổi với Trưởng ban Tổ chức Trung ương, xem lại quy định đó, nếu quy định thế này, Quốc hội khóa XV, trong cơ cấu, sẽ không có Bí thư Tỉnh ủy là đại biểu Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nhiều việc lắm. Nhiều việc làm để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của mỗi cơ quan dân cử.
Cũng có quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong tình hình hiện nay, phải tăng cường vai trò của cơ quan dân cử, đó là xu thế và tăng cường hiệu lực hoạt động, tăng cường hiệu quả, sức mạnh trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Cho nên, không thể nào đi theo hướng tinh giản bộ máy của cơ quan dân cử. Nếu đi như thế, là đi ngược xu thế.
Thông tin hiện đang thực hiện thí điểm sáp nhập 3 văn phòng (Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội) ở 12 địa phương, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, qua thí điểm có câu chuyện nảy sinh, như Chánh Văn phòng, một bên vừa đưa các vấn đề UBND trình ra HĐND, bên này lại báo cáo thẩm tra, sau này lại tiếp thu, giải trình, “hai tay cầm hai cái còi”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, đưa 2 phương án. Phương án 1 là theo hướng thí điểm sáp nhập 3 văn phòng; phương án 2 có hai cơ quan là: Văn phòng của UBND và Văn phòng của Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND.
Đặt vấn đề HĐND, Quốc hội đang sắp xếp lại, “vậy giám sát quyền lực ở đâu, không lẽ Ủy ban Kiểm tra mãi giám sát quyền lực”, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng thời gian qua, việc giám sát quyền lực chưa mạnh, cần làm rõ làm sao để giám sát quyền lực.
“Hiện nay có hiện tượng những sai phạm của UBND các địa phương, HĐND đã phát huy vai trò của mình chưa. Điều này cần nhìn nhận rõ”, ông Phan Thanh Bình đặt câu hỏi. Chủ nhiệm Ủy ban này bày tỏ lo lắng khi sắp xếp lại hệ thống dân cử, thậm chí giảm số đại biểu chuyên trách của cơ quan dân cử, còn hệ thống UBND lại giữ nguyên.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua thống kê cho thấy HĐND thường có hai đại biểu chuyên trách. Quan điểm sửa Luật là vẫn giữ số lượng chuyên trách là hai người trong cơ cấu lãnh đạo. Trường hợp cán bộ đủ tuổi tái cử Bí thư Tỉnh ủy nhưng không đủ tuổi tái cử Chủ tịch HĐND tỉnh vẫn bố trí hai Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách.
“Bộ không đặt vấn đề so sánh giảm biên chế cơ quan dân cử và cơ quan khác, vì chuyện này thực hiện chung trong hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói. Theo ông, với việc trên 600 xã phải sáp nhập tới đây theo Nghị quyết của Quốc hội, nếu chỉ giữ 1 Phó Chủ tịch UBND xã là khó khăn.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, nghị quyết của Đảng đã nói sáp nhập 3 văn phòng, vì vậy, cần xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này. Ông cho biết ý kiến của mình là để hai Văn phòng: Văn phòng UBND (cơ quan tham mưu giúp việc chứ không phải cơ quan phục vụ) và Văn phòng HĐND- Đoàn đại biểu Quốc hội.