Năm 2017 ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng của Lào Cai với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt xấp xỉ 11%. GRDP bình quân đầu người đạt 51,2 triệu đồng, tăng 11,3% so năm trước (46 triệu đồng), đứng thứ 2 trong số các tỉnh trung du miền núi phía Bắc (sau Thái Nguyên). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 7.000 tỷ đồng, đạt 146% dự toán Trung ương giao, tăng 12,6% so với năm 2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Địa danh du lịch Sa Pa có diện tích tự nhiên trên 68.000 ha, dân số 65.000 người với 6 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 87%. Đây là vùng đất có bản sắc văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc; khí hậu và địa hình thuận lợi cho phát triển du lịch với đỉnh Fansipan, Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Năm ngoái, lượng khách du lịch đến Sa Pa là 1 triệu lượt, tăng 35% so với năm trước đó. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2016 đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Năm nay, dự kiến Sa Pa đón 2,5 triệu lượt khách. Với tốc độ tăng trưởng khách du lịch như hiện nay, dự kiến lượng khách vào năm 2020 là khoảng 4 triệu lượt, đến 2030 là trên 8 triệu lượt. Đây là áp lực lớn đối với hạ tầng của Khu Du lịch quốc gia Sa Pa. Trong khi đó, tuyến đường BOT kết nối Lào Cai - Sa Pa, dự án sân bay Lào Cai đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Lưu lượng xe hiện nay qua thị trấn Sa Pa đã quá tải, gây ách tắc giao thông và tác động xấu đến phát triển du lịch.
Đây là lý do tỉnh Lào Cai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để địa phương thực hiện một số dự án trọng điểm phát triển đô thị và du lịch trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có Dự án xây dựng Trung tâm hành chính mới huyện Sa Pa, Dự án Tổ hợp dịch vụ cao cấp Khu trung tâm Sa Pa và một số dự án khác. Đặc biệt, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương về các phương án thành lập thị xã Sa Pa theo ba phương án đã đối chiếu đúng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, việc hình thành đô thị Sa Pa cần phải theo các tiêu chí hiện hành về dân số, diện tích, kinh tế xã hội, nhất là khi hiện nay một số tiêu chí chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc nâng cấp Sa Pa trở thành thị xã cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, kiến nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cơ chế đặc thù để phù hợp với đặc trưng một đô thị du lịch miền núi, nếu không sẽ phá vỡ những cảnh quan thiên nhiên và các nét văn hóa đặc sắc của địa danh du lịch giàu tiềm năng này.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự cố gắng của Lào Cai trong năm 2017, vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành toàn diện, vượt mức 25 chỉ tiêu đề ra. Nhiều chỉ tiêu về phát triển đạt cao, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, thu ngân sách, xuất nhập khẩu, huy động vốn xã hội; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Trong phát triển, tỉnh đã chú ý phát triển trước mắt và lâu dài; xác định rõ thế mạnh phát triển như kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp hữu cơ.
Về kiến nghị nâng cấp huyện Sa Pa thành thị xã Sa Pa, Thủ tướng nêu rõ đồng ý về mặt chủ trương chuyển nguyên trạng huyện Sa Pa thành Thị xã Sa Pa với mục tiêu đưa địa danh Sa Pa không chỉ là Khu du lịch quốc gia, mà phải trở thành một khu du lịch quốc tế để thu hút khách gần xa đến với Việt Nam, đến với tỉnh Lào Cai.
Điểm quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh là trong quá trình nâng cấp, việc đảm bảo tính nguyên vẹn để gìn giữ văn hóa truyền thống, sẵn có của Sa Pa cần được ưu tiên hàng đầu. “Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường. Những văn hóa của người địa phương, các dân tộc anh em ở đây là rất quan trọng”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh phát triển hạ tầng đối với một đô thị là rất quan trọng, Thủ tướng lưu ý, “không thể phát triển đô thị mà lại gây đảo lộn cuộc sống bình yên của nhân dân”; “phát triển thị xã ở miền núi mà cách làm như như dưới vùng đồng bằng sẽ tạo ra sự bất ổn”. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cần phối hợp với Lào Cai vận dụng các tiêu chí đặc thù đối với Sa Pa. Các phương án, đề xuất phải căn cứ trên thực địa của Sa Pa để sát với thực tiễn. Muốn vậy, các bộ, ngành phải có sự nghiên cứu, đánh giá thực tế.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp, hỗ trợ Lào Cai chọn phương án tốt nhất để đáp ứng các tiêu chí về số xã, phường; thành lập hội đồng thẩm định để trình Chính phủ xem xét phương án chuyển từ huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thủ tướng lưu ý việc lựa chọn được phương án nâng cấp thị xã Sa Pa phải thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW 2015 của Trung ương về tinh giản biên chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức sao cho giải quyết được vấn đề dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc và làm sao chuyển được lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
“Cái cuối cùng phải giải quyết được vấn đề người dân. Anh chuyển đổi tức là anh phải nâng cao mức sống của người dân địa phương lên, chứ không phải chuyển đổi để người ta bần cùng hóa, thiếu việc làm hoặc mất đi tính văn hóa của người địa phương thì Sa Pa cũng không còn nữa”, Thủ tướng yêu cầu.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải quyết một số kiến nghị của Lào Cai về phát triển kinh tế xã hội, nhấn mạnh đến việc Lào Cai cần chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, hoàn thiện các hạ tầng kết nối để thúc đẩy hợp tác hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).
Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương đối với một số kiến nghị của tỉnh với mong muốn Lào Cai sớm trở thành địa phương đi đầu vùng Tây Bắc, không chỉ có thành tích tốt về xóa đói giảm nghèo mà còn có thể tự cân đối được ngân sách trong thời gian tới.