Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng

Thể hiện rõ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam


Ngày 7/3, HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa VIII tổ chức kỳ họp lần thứ 7 đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Các đại biểu đều khẳng định dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện rõ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số đại biểu đề nghị sửa Lời mở đầu cho phù hợp với mốc lịch sử hình thành đất nước; đề nghị tách tên gọi Chương II thành hai Chương là Quyền con người và Quyền công dân vì đây là hai khái niệm khác nhau. Nhiều đại biểu cũng đề nghị đưa Đoàn Thanh niên vào Hiến pháp để khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với lực lượng thanh niên. Ngoài ra, đại biểu còn đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản cụ thể của Dự thảo về thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung câu từ... cho phù hợp.

 

Quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ


Ngày 8/3, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo các nội dung liên quan đến quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (HP).


Về vị trí, vai trò của Quốc hội tại Điều 74 (sửa đổi, bổ sung Điều 83) TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét có một nội dung thay đổi cơ bản đó là: "Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp" được sửa đổi, bổ sung thành "Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp...". Việc thay đổi từ "cơ quan duy nhất có quyền" thành cơ quan "thực hiện quyền lập hiến, lập pháp", trước hết là sự thay đổi về chất. Theo đại biểu, việc sửa đổi như dự thảo là hợp tình, hợp lý, đúng với thực tế khách quan bởi nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị và cá nhân tham gia vào hoạt động này.


Về Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, tại khoản 1 dự thảo không còn nhiệm vụ, quyền hạn "quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh". Theo TS Bùi Ngọc Thanh không nên bỏ nhiệm vụ, quyền hạn này để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể có quyền trình dự án luật và các Ban soạn thảo dự án, bảo đảm tính chất ổn định của chương trình và tính nghiêm túc trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Một số ý kiến tán thành với việc bổ sung nội dung "quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ" trong khoản 4, Điều 75 dự thảo. Dựa vào những phân tích cụ thể của các nước trên thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ công, các ý kiến cho rằng đây là quy định mới, đúng đắn và hợp lý.


TS Bùi Ngọc Thanh nhận xét, ngoài các chủ thể đã được đề cập trong HP 1992 và Dự thảo sửa đổi bổ sung như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội..., thì còn một chủ thể quan trọng, đó là Đoàn đại biểu Quốc hội (của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) nhưng chưa được nói tới ở chế định về Quốc hội trong dự thảo. TS Bùi Ngọc Thanh đề nghị nên có một điều riêng hoặc một khoản trong Điều 84 của dự thảo HP.


Bàn về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội tại Điều 84, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi đánh giá khoản 3 Điều 84 HP hiện hành quy định "Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" là đầy đủ, ý nghĩa. Trong Dự thảo sửa đổi HP 1992 quy định "Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", theo đại biểu như vậy là quá chi tiết và không đầy đủ.

 

Mặt trận Tổ quốc là cơ sở của chính quyền nhân dân


Ngày 8/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.


Vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là nội dung được nhiều đại biểu tập trung góp ý với mong muốn khẳng định và thể hiện rõ hơn nữa tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển đất nước. MTTQ cần được khẳng định vai trò, vị trí xứng đáng để động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích thành viên, thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội.


Nhiều ý kiến đề nghị, cần khẳng định trong Hiến pháp: MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị. Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, nội dung này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011). Khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa các thành viên trong hệ thống chính trị. Ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Long An đề nghị nên thiết kế một chương riêng quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên để MTTQ có vị trí tương xứng trong hệ thống chính trị.

 

Thu hồi đất theo thời giá thị trường


Triển khai đợt lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có nhiều ý kiến cụ thể về những vấn đề được dư luận quan tâm.


Tiến sĩ Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa Luật - Đại học Cần Thơ đề xuất bổ sung Điều 9: Cần quy định về vị trí và vai trò của Hội Nông dân, bởi nông dân Việt Nam, lực lượng chiếm hơn 70% dân số của cả nước, 57% lực lượng lao động xã hội làm việc trong ngành nông nghiệp.


Tại khoản 3, Điều 58 của Dự thảo Hiến pháp đã có quy định về việc thu hồi đất, nhưng theo tiến sĩ Phan Trung Hiền, các quy định trong Dự thảo chưa đầy đủ, chưa giải đáp được nhiều câu hỏi đảm bảo các quyền công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể trong điều kiện Đảng và Nhà nước ta không ngừng thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội. Do vậy, tiến sĩ Hiền đề xuất khoản 3 Điều 58 Dự thảo cần được ghi nhận, bổ sung nội dung: Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường về đất và các tài sản gắn liền với đất theo thời giá thị trường. Việc chi trả bồi thường cho người sử dụng đất hợp pháp phải tương xứng với tất cả các thiệt hại mà người sử dụng đất gánh chịu do hoạt động thu hồi đất gây ra. Các dự án tái định cư phải được lập trước khi thu hồi đất nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Khu tái định cư phải phù hợp với tập quán dân cư nhằm tái lập chỗ ở và cải thiện cuộc sống của người có đất bị thu hồi. Trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất mà không có đất để bồi thường cho việc tiếp tục sản xuất thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề và bố trí việc làm mới. Thể thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do luật định.


* lGóp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phần lớn đại biểu dự hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai tổ chức đã có chung nhận định: Dự thảo đã có nhiều điểm mới, ngắn gọn, súc tích, kế thừa được nội dung của các bản Hiến pháp trước đó và xu thế phát triển mới của đất nước. Tại bản Dự thảo sửa đổi lần này có 4 điều đề cập đến vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và 9 điều liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới. Đây cũng là các nội dung chính được nhiều phụ nữ đặc biệt lưu tâm tại hội thảo.


Nhóm PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN