Tiếc thương vị lãnh đạo "vì nước quên thân, vì dân phục vụ"
Sáng 26/7, ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, xung quanh khu vực diễn ra Lễ tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất khá trật tự, an toàn. Khu vực phía ngoài khuôn viên Hội trường Thống Nhất đã có nhiều đoàn từ các tỉnh, thành đến chờ viếng. Tại khu vực bên trong Hội trường, đông đảo người dân tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành cũng đã đến đăng ký viếng từ sớm.
Nhiều cụ ông, cụ bà, dù tuổi đã cao và là cựu tù chính trị, cựu chiến binh tại Trường Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo… nhưng đã đến rất sớm để xếp hàng vào viếng. Nhiều người mắt đỏ hoe.
Bà Nguyễn Thị Bình, cựu chiến binh Trường Sơn (sinh năm 1956, ngụ tại Quận 3) đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội trường Thống Nhất cùng với 20 đồng đội của mình, không khỏi xúc động khi nói về Tổng Bí thư: “Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi cứ khóc mãi vì thương cảm. Bác Tổng Bí thư đã dành cả cuộc đời của mình vì đất nước, vì nhân dân, làm việc không ngơi nghỉ để phục vụ đất nước. Chúng tôi đã trải qua một thời gian khổ ở Trường Sơn và cảm thấy vô cùng kính trọng, khâm phục bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì trong thời kỳ hiện nay, bác đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, giải quyết nhiều vấn đề tham nhũng để mang lại lợi ích cho nhân dân”.
Cũng trong tâm trạng đầy cảm xúc, bà Phạm Lê Tâm (sinh năm 1952), thành viên Ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh quận Phú Nhuận bày tỏ: “Tôi vô cùng đau lòng, xúc động khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Tôi cảm thấy đây là nỗi mất mát rất lớn của đất nước và nhân dân. Riêng đối với bản thân tôi, tôi cảm vô cùng thương cảm bác Tổng Bí thư vì tuổi cao nhưng bác vẫn luôn cống hiến hết mình để lo cho dân, cho đất nước. Tôi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ lòng thương tiếc của mình, tiễn biệt một tấm gương sáng hết lòng vì sự nghiệp của đất nước”.
"Tôi rất ấm lòng khi đến đây và thấy tình cảm của mọi người dành cho người lãnh đạo hết lòng vì nhân dân. Mặc dù ai cũng phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ nhưng không mệt mỏi, họ luôn trong tâm thế mong mỏi thắp nén nhang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", bà Phạm Lê Tâm chia sẻ thêm.
Kính trọng tài đức của bác Trọng
Ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, bà xuất phát từ 3 giờ 30 sáng nay và có mặt tại Hội trường Thống Nhất lúc 5 giờ sáng. “Bài thơ này tôi hoàn thành vào 23 giờ hôm qua để sáng nay kịp mang đến lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiễn đồng chí lần cuối cùng. Tôi thường xuyên viết văn, thỉnh thoảng còn làm thơ. Tôi làm bài thơ này trong vỏn vẹn 10 phút, không theo luật gì hết, tự do nhưng nó là tất cả cảm xúc thật của tôi”, bà Nguyễn Thị Tuyết rưng rưng nước mắt nói.
“Tôi biết và hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù ốm, nằm ở bệnh viện nhưng đến hơi thở cuối cùng, đồng chí vẫn làm việc, vẫn nghĩ đến quê hương, đất nước, dân tộc mình. Bằng sự ngưỡng mộ người lãnh đạo có đức, có tài nên tôi làm bài thơ này. Ngoài ra, từ những việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cho Đảng, cho đất nước và nhân dân, tôi tin không chỉ riêng gia đình tôi mà tất cả mọi người sẽ học tập theo tấm gương của đồng chí để tô điểm, góp phần làm đẹp cho quê hương, đất nước", bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ thêm.
Cũng cầm di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến viếng, anh Nguyễn Phú Huỳnh (quê huyện Phú Xuyên, Hà Nội) hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi đã mang theo bức tranh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do mình tự làm đến viếng lễ tang nhằm thể hiện lòng kính trọng, sự yêu mến đối với là người lãnh đạo đất nước nhưng rất gần gủi với dân, cả đời sống giản dị... Vì mến mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đã làm bức tranh này từ 2 tháng nay. Thế nhưng, đến khi bức tranh hoàn thành thì bác Trọng đã ra đi. Vì vậy, tôi muốn mang theo di ảnh bác đến viếng để thể hiện tấm lòng luôn khắc ghi sự biết ơn, lòng kính trọng của tôi, của nhân dân đối với bác Trọng".
Hòa trong dòng người lặng lẽ đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Đỗ Quốc Bình, cựu chiến binh Quận 8 chia sẻ, đây là lần thứ 2 ông đạp xe từ Quận 8 đến Quận 1 chỉ mong được vào viếng Tổng Bí thư. Sáng hôm qua, ông đến nhưng do không mang giấy tờ tùy thân nên không được vào, chiều ông quay lại với hy vọng sẽ được vào viếng.
Nói về tình cảm của mình về Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, ông Đỗ Quốc Bình đầy cảm xúc: "Nghe tin Tổng Bí thư mất, tôi rất buồn. Vì thế, tôi đã không ngại đường xa, tuổi cao, sức yếu đạp xe đến đây chỉ mong được thắp nén nhang bày tỏ tình cảm, sự kính trọng và sự tiếc nuối vô hạn trong Lễ viếng Tổng Bí Thư tại Hội trường Thống Nhất".
Cũng tuổi cao, sức yếu nhưng bà Bùi Thị Nhỡi (91 tuổi, quê Thái Bình, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) vẫn nhờ con cháu dẫn đến viếng. Bà Nhỡi cho biết: "Sau khi nghe tin Tổng Bí thư qua đời, tôi rất buồn và tiếc thương vô hạn. Vì vậy, dù mệt nhưng tôi vẫn muốn đến thắp nén nhang tiễn biệt Tổng Bí thư".
"Cả cuộc đời ông là tấm gương sáng về sự mẫu mực, liêm chính, chí công, vô tư. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng ông lại rất bình dị, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân kính trọng, tin tưởng, được bạn bè quốc tế trân trọng đánh giá cao. Vì vậy, tôi cùng người thân đến đây để thắp hương cho người lãnh đạo mà tôi và nhân dân yêu quý, kính trọng", bà Bùi Thị Nhỡi chia sẻ.
Theo Ban tổ chức tang lễ tại TP Hồ Chí Minh, tính đến sáng 26/7, đã có 691 đoàn viếng, 38.127 lượt người, trong đó người dân là 19.650 lượt người). Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu từ 7 giờ đến 12 giờ 30 phút tại Hội trường Thống Nhất cùng ngày.