Nhiều ý kiến tán thành sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã hâm nóng phiên thảo luận đầu tiên tại tổ của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 22/5.

Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao tính nhân văn của điều Luật này, song chính từ sự nhân văn ấy đã khiến đại biểu băn khoăn: Sửa hay không sửa điều luật?

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Điều 60 là nhân văn…

Đánh giá của đại biểu cho thấy Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là phù hợp với xu hướng phát triển chung, đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Quy định này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến cuộc sống trước mắt mà còn chăm lo đến cuộc sống khi về già của người lao động, khi mà người lao động không còn sức lao động, không thể làm việc, cần được quan tâm bảo vệ nhiều nhất.

Các đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) nhìn nhận quy định theo Điều 60 là có tầm nhìn và gắn với mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra đến năm 2020 đạt 50% lao động có bảo hiểm xã hội.

Điều 60 được đề ra với quan điểm ngày càng mở rộng các điều kiện, cơ chế chính sách cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội ở khu vực chính thức và không chính thức, người lao động không đứng trong tổ chức nào, mong muốn người lao động khi tuổi cao, sức yếu, không còn khả năng lao động vẫn có thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống, không phải sống dựa vào con cháu hay sự trợ cấp của nhà nước. Việc đặt vấn đề này là phù hợp và đúng đắn, đây cũng là xu hướng chung của các nước.

Nhìn lại quá trình thẩm tra, lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh lý và thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (2014), đại biểu Nguyễn Bắc Son (Hà Nội) cho rằng Quốc hội đã thực hiện đúng quy trình quy phạm pháp luật, theo quy trình một kỳ xem xét, một kỳ thông qua và lấy ý kiến rộng rãi. Tuy nhiên, chính người bị tác động của Luật lại không nắm được thông tin nên khi được phổ biến đã tạo phản ứng, công tác tuyên truyền đến đối tượng bị tác động là không đầy đủ.

…nhưng chưa sát thực tế


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận phản ứng của người lao động vừa qua cho thấy việc đo lường thực tiễn chưa sát, còn đại biểu Phương Hữu Việt (Bình Dương) cho rằng làm đúng là phải trưng cầu ý kiến đối tượng bị tác động.

Đại biểu Nguyễn Bắc Son, Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng điều luật tốt nhưng trên thực tế không phù hợp với con người Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là số đông là công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Những doanh nghiệp này tính ổn định không cao, phá sản nhiều, lương lại thấp dẫn đến phần lớn là lao động phổ thông, trình độ thấp, làm việc theo thời vụ, nhảy việc thường xuyên và đa số có tư tưởng rủ nhau đi làm vài năm để có vốn về quê, do đó việc họ chờ đợi đến 20 năm mới lĩnh bảo hiểm là rất khó.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu quan điểm khi xây dựng Luật chúng ta quá lo cho người dân về an sinh xã hội. Đây là Luật được thảo luận kỹ qua nhiều hội thảo, hội nghị, nhưng thiếu các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp.

Ý kiến của công nhân lao động được đại diện là công đoàn nhưng công đoàn chủ yếu là cán bộ công chức, trong khi công nhân lao động trực tiếp chưa được hỏi. Vì vậy, không có ý kiến trái chiều về nội dung này. Về lâu dài, quy định như Luật là đúng đắn, khoa học, nhưng chưa xét đến bối cảnh thực tế.

Nêu lên thực tế người lao động phản ứng với Điều 60 không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà cả Long An, Bà Rịa -Vũng Tàu, đại biểu Ngô Ngọc Bình, Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) thẳng thắn đề nghị xem lại cách làm luật của Quốc hội, vì sao một số điều Luật của Quốc hội thông qua gần đây dễ gặp phản ứng của những đối tượng chịu sự tác động.

Đặt vấn đề xem lại cách lấy ý kiến và thực chất của việc lắng nghe đã sát chưa, đại biểu Quyết Tâm đề xuất Quốc hội tạo không gian trong thảo luận để có tranh luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên suy nghĩ, tiếp thu và đổi mới mạnh hơn nữa cách thảo luận ở hội trường, tranh luận nhiều hơn, những vấn đề nào đã cơ bản thống nhất không nên thảo luận nữa.

Sửa hay không sửa Luật?

Pháp luật đúng nhưng không phù hợp, không đi vào cuộc sống, mục đích tốt nhưng không đạt được, rõ ràng phải xem xét sửa đổi – đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Bắc Son (Hà Nội) và cũng là quan điểm của các đại biểu Nguyễn Văn Danh (Tiền Giang), Chu Sơn Hà, Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), Nguyễn Xuân Tý (Bến Tre), Trương Trọng Nghĩa, Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh)…

Từ nhìn nhận hiện nay, điều kiện sống và làm việc của một bộ phận lao động ở khu vực phi chính thức còn bấp bênh, có nguyện vọng nhận lại số tiền tham gia bảo hiểm xã hội, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đồng tình với quan điểm của Chính phủ điều chỉnh theo hướng trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng nhận lại số tiền đó.

Song, cần xây dựng điều kiện để người lao động thấy trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, không chỉ đòi quyền lợi trước mắt mà không nghĩ đến trách nhiệm, quyền lợi lâu dài. Cùng với đó, nên nghiên cứu các điều kiện cụ thể để được nhận bảo hiểm xã hội một lần và tích lũy lại để hưởng lương hưu.

Đồng quan điểm với đại biểu Đỗ Thị Hoàng, đại biểu Nguyễn Văn Danh (Tiền Giang) nhấn mạnh việc giải quyết cho hưởng một lần chỉ là biện pháp tình thế, chỉ đáp ứng cho một bộ phận người lao động, cần đánh giá đầy đủ, mọi góc độ, khía cạnh và điều quan trọng là phải giảm dần số người không có lương hưu khi về già, giảm bớt gánh nặng cho nhà nước và cho xã hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Kạn, Gia Lai, Trà Vinh và thành phố Đà Nẵng thảo luận tại tổ. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Đại biểu Trịnh Thế Khiết cho biết Điều 60 tác động đến toàn bộ những người được đóng bảo hiểm xã hội. Lao động trong các doanh nghiệp có thể nay làm nơi này, mai chuyển nơi khác hoặc bị mất việc, phải trở về nông thôn. Mặc dù họ rất mong được hưởng lương hưu theo Điều 60, nhưng cuộc sống hiện tại của họ còn rất khó khăn, làm sao có thể nghĩ đến tương lai.

Vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về việc sửa hay không sửa điều luật này, bởi theo nhìn nhận của các đại biểu, Điều 60 thể hiện ý nghĩa nhân văn rất lớn, sửa điều luật, sẽ làm giảm đi tính chất nhân văn này, nhưng nếu không sửa, có thể sẽ tạo ra những phản ứng tương tự như đã từng xảy ra thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) kiến nghị không sửa Điều 60 bởi những lo ngại sửa Luật sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra đến năm 2020 có 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội và ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống các chính sách đang rất đồng bộ hiện nay như chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết việc làm.

Ý kiến của Chính phủ, của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy quy định của Điều 60 là rất khả thi và thực tế, đưa ra sửa trong giai đoạn này có vội vàng? Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị nếu sửa Điều 60 cần hết sức thận trọng, phải nghiên cứu rất kỹ, không khéo sẽ tạo tiền lệ không tốt trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhắc đi nhắc lại việc tích đồng ý sửa Điều 60 vào phiếu xin ý kiến của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, song đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho biết vẫn vô cùng băn khoăn. Theo bà, cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân thực chất của việc người lao động phản đối điều Luật, có phải do người lao động bị mua chuộc, kích động, nhìn rộng ra có sự “không bình thường” trong phản ứng của các đối tượng này.

Báo cáo của Chính phủ đưa ra giải pháp tuyên truyền để người lao động hiểu là chưa đủ, cần xem xét có chính sách khác hỗ trợ cho những người tiếp tục mong muốn chuyển việc, hỗ trợ cho người lao động vay vốn giải quyết việc làm trong thời gian nghỉ việc.

Cũng có ý kiến cho rằng vì một nhóm đối tượng mà điều chỉnh điều luật là chưa thỏa đáng với toàn bộ người lao động, nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần chỉ là thiểu số, cần phải trưng cầu, đánh giá chính thức đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng của Điều 60.

Tán thành với việc sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhưng sửa theo hướng nào vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận trong các đại biểu. Bên cạnh ý kiến sửa trực tiếp vào Điều 60, đa số ý kiến cho rằng Quốc hội nên ra Nghị quyết riêng sửa đổi nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Bắc Son cho rằng Luật chưa thi hành đã sửa đổi, không nên sửa Luật mà nên ra nghị quyết cho người lao động vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn giữ được tính ổn định của pháp luật, bảo đảm thực thi trong tương lai.


Chu Thanh Vân (TTXVN)
Xem xét, điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội
Xem xét, điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo điều kiện hơn cho người lao động có thể được đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hàng tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN