Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự lễ kỷ niệm.
Dự lễ còn có đại diện các ban, bộ, ngành ở Trung ương và một số địa phương trong cả nước cùng đông đảo nhân sĩ, trí thức, các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nêu rõ: Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, nơi sinh ra và hội tự nhiều thế hệ anh tài, nhiều anh hùng hào kiệt, trong đó có người con ưu tú Nguyễn Chí Diểu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế mãi mãi khắc ghi công ơn của người chiến sĩ cách mạng trung kiên, tấm gương sáng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Chí Diểu.
Học tập và noi theo tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang "Tấn công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường", đồng tâm hiệp lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức đẩy mạnh thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, góp phần cùng với cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908, tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế và mất năm 1939 do bị bệnh trong những năm bị giam trong ngục tù thực dân. Ông sinh trong một dòng họ nhiều đời làm quan. Năm 1925, ông thi đỗ vào Trường Quốc học Huế. Năm 1927, ông bị đuổi học do tham gia bãi khóa tại Trường Quốc học, đòi thả cụ Phan Bội Châu. Năm 1927, ông được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Đến năm 1928, ông trở thành Xứ ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Đảng Tân Việt. Năm 1929, một bộ phận Đảng Tân Việt trở thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Kể từ đây, Nguyễn Chí Diểu chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được điều vào hoạt động ở Nam Kỳ và được cử là Bí thư Tỉnh Gia Định. Tại đây, đồng chí bị thực dân Pháp bắt vào tháng 10/1930 và bị kết án khổ sai chung thân rồi lưu đày ra Côn Đảo.
Tháng 6/1936, Nguyễn Chí Diểu được trả tự do và năm 1937, được bầu là Ủy viên Trung ương, rồi Ủy viên Thường vụ. Đồng chí là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I, là Ủy viên Ban Thường vụ thời kỳ 1936 - 1939 cho đến lúc qua đời vì bệnh nặng.
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu là chiến sĩ cách mạng lớp đầu tiên của Đảng, có đóng góp to lớn trong vai trò là người trực tiếp và bí mật tạo nguồn cho tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng tại Huế; tham gia sáng lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn và trực tiếp kêu gọi hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam; người đã kiên cường, anh dũng đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Tấm gương dũng cảm, kiên trung, năng động, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Chí Diểu trở thành biểu tượng và là động lực to lớn khích lệ đồng chí, đồng đội tiếp tục cống hiến và chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Đúng như những vần thơ trong bài "Quê mẹ" của Tố Hữu: "Con lớn lên con tìm cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi/ Mẹ không còn nữa, con còn Đảng/ Dìu dắt khi con chửa biết gì".