Trao đổi với báo chí sau phiên bế mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Minh Thông đã đưa ra lý giải trên.
“Tốt nhất khi thay đổi vị trí nào trong Đảng thì thay đổi ngay vị trí trong bộ máy nhà nước”, ông Thông nói.
Ông Lê Minh Thông. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Theo ông, công tác cán bộ phải tuân thủ quy định của Đảng, cụ thể hoá các quy định của Đảng. Các cơ quan có trách nhiệm đã chuẩn bị nhân sự rất kỹ lưỡng. Các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương đã qua các công đoạn đánh giá, bầu cán bộ, là những người xứng đáng đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.
Vì Đảng ta là đảng cầm quyền, nên khi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương thì chuyện được bầu vào các vị trí lãnh đạo là việc đương nhiên. Vấn đề chỉ là chỗ khoảng cách giữa bầu Quốc hội và Đại hội Đảng hơi xa, nên phải nghiên cứu làm thế nào để Đại hội Đảng xong là có thể bầu Quốc hội được luôn.
“6 tháng là rất dài trong nền hành chính và quản trị quốc gia. Các đồng chí đương nhiệm thì đương nhiên có trách nhiệm nhưng tốt nhất là khi các vị trí đều căn bản rồi nên thay đổi ngay, để đảm bảo tính liên tục, tính đồng bộ và hiệu quả hơn", ông Thông nêu quan điểm.
Phó Tổng thư ký Quốc hội khẳng định "các đồng chí không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương do quá tuổi hay quá nhiệm kỳ đều chuẩn bị tâm thế, không ai bị động vì đã được chuẩn bị trước, vấn đề chỉ là 1 tháng hay bao nhiêu tháng".
Về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội để kéo ngày bầu cử gần lại với Đại hội Đảng, ông Lê Minh Thông cho biết về mặt kỹ thuật là có thể được, vấn đề khó là theo quy định của Luật bầu cử, ngày bầu cử đã được ấn định, nếu như vậy sẽ phải sửa lại Luật.
Muốn có phương án phải nghiên cứu, tổng kết và đánh giá mới có thể tính toán được, mọi đề xuất phải được nghiên cứu thấu đáo. Những gì chưa hợp lý phải nghiên cứu, đổi mới. Nhưng đổi mới như thế nào phải hết sức cẩn trọng và phải có tổng kết thực tiễn, có tranh luận để tìm ra phương án tối ưu, để có được bộ máy nhà nước tốt nhất, hiệu quả nhất và vì dân nhất.
Trước băn khoăn của báo giới về việc có thể những nhân sự vừa được bầu tại kỳ họp thứ 11 sẽ không trúng đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông Lê Minh Thông cho hay tùy thực tiễn mà xử lý tình huống. Vấn đề quan trọng nhất là các đồng chí được đề bạt trong cùng một nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cử tri sẽ bầu đại biểu Quốc hội, các đồng chí đó phải trúng đại biểu Quốc hội, lúc đó mới bầu theo Luật.
Tuy nhiên, các Bộ trưởng không nhất thiết là đại biểu Quốc hội, chỉ những chức danh theo quy định của Luật phải là đại biểu Quốc hội thì mới gắn kết kết quả bầu đại biểu Quốc hội. Ông khẳng định việc bầu các chức danh lãnh đạo của Quốc hội khóa XIV đều phải tuân thủ Luật tổ chức Quốc hội và phải bầu lại theo đúng quy trình ngay tại kỳ họp thứ nhất.
Ông Lê Minh Thông cũng trao đổi về việc tại sao không tận dụng hệ thống bấm nút điện tử để bỏ phiếu, thay vì phải bỏ phiếu kín với một chức danh. Theo ông, đã là bầu cử phải bình đẳng như nhau, không thể chức danh này bỏ phiếu kín, chức danh kia lại bấm nút điện tử.
Thêm nữa, công tác nhân sự là rất quan trọng, các đại biểu Quốc hội đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, mỗi lần họp cầm bút lên đều phải suy nghĩ, cân nhắc, khác với việc bấm nút điện tử. Việc bỏ phiếu kín cũng đảm bảo tính tuyệt mật cao hơn, đặc biệt là thể hiện tự do ý chí của người bầu, không bị khống chế bởi người xung quanh.