Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT phát biểu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã dự hội nghị cùng nhiều đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương...
Trong 10 năm qua, 4 trụ cột của ngành công nghệ thông tin của Việt Nam (hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng dụng, công nghiệp công nghệ thông tin) đã phát triển hơn mức trung bình của các ngành khác trong xã hội. Trong 4 trụ cột này, ngành công nghiệp công nghệ thông tin với sự góp mặt của các tập đoàn công nghệ lớn đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ. Nhưng nhìn chung, ngành công nghệ thông của Việt Nam còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Thế giới đã đánh giá cao sự phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam. Về kinh tế Việt Nam phát triển tính theo GDP bình quân đầu người đứng ở mức 120 của thế giới (vẫn xếp ở nhóm có mức thu nhập trung bình thấp) nhưng về công nghệ thông tin thì Việt Nam hiện ở xếp mức 80 thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ: Luật công nghệ thông tin năm 2006 đã tạo thuận lợi để phát triển công nghệ thông tin ở nước ta nhưng đến nay, việc triển khai Luật đã gặp phải một số vướng mắc, bất cập cần phương án tháo gỡ, nhất là trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn khuyến khích các bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ công nghệ thông tin, không phải là thuê máy, thuê phần mềm mà là thuê dịch vụ cuối cùng. Tuy nhiên, hiện nay việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn vướng mắc về luật pháp, thủ tục, giá thuê... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý: Cần phải chú ý đến an toàn thông tin ngay khi bắt đầu thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Về vấn đề xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là để phục vụ mục tiêu quản lý. Dữ liệu được kết nối, được chia sẻ sẽ là nguồn tài nguyên quý giá. Dữ liệu không được kết nối, chia sẻ là dữ liệu chết, dữ liệu manh mún. Do vậy, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án kết nối dữ liệu tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ có đổi mới mạnh mẽ về đào tạo công nghệ thông tin. Cụ thể, các kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn sẽ được đánh giá như là giáo viên tham gia vào công tác đào tạo sinh viên các trường đại học để giảm bớt tính hàn lâm. Đồng thời, các doanh nghiệp và hiệp hội phải có trách nhiệm tham gia hoạt động đào tạo...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tặng Bằng khen cho 29 tập thể có đóng góp trong việc xây dựng triển khai Luật CNTT thời gian qua. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai ngay các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng trong thời gian tới. Các đơn vị thuộc ngành thông tin và truyền thông cần nghiên cứu về định hướng phát triển công nghệ để đưa ra các chính sách quản lý Nhà nước phù hợp xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.
Các đơn vị quản lý phải bắt kịp sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho cộng đồng công nghệ thông tin hoạt động. Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động kết nối giao thương công nghệ thông tin với các nước, đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông để kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý...
Từ các ý kiến đóng góp tại hội nghị này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất đề án về việc hiện đại hóa khung pháp lý về công nghệ thông tin truyền thông đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước, gồm sửa đổi, bổ sung Luật công nghệ thông tin hiện nay tập trung các lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin. Đồng thời, các đơn vị cần rà soát các nội dung chưa thống nhất giữa Luật Công nghệ thông tin 2006 và các văn bản luật, dưới luật khác để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan đến công nghệ thông tin.
Song song với đó, các đơn vị, tổ chức công nghệ thông tin cần tiến hành tổ chức nghiên cứu các khía cạnh của các xu hướng công nghệ, mô hình phát triển tiên tiến, đánh giá khả năng đáp ứng các văn bản luật có liên quan đối với thách thức của các xu hướng công nghệ thông tin. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc Bộ cần xây dựng và đánh giá chính sách mới trước khi đề xuất nội dung sửa đổi, hoàn thiện các văn bản luật...
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Ngày 29/6/2006, Quốc hội đã ban hành Luật Công nghệ thông tin, văn bản pháp lý cao nhất trong việc quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Qua hơn 10 năm thực hiện, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thực sự trở thành một ngành hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế như tinh thần Nghị quyết 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị.
Hệ thống tổ chức quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở các cấp trên toàn quốc đã từng bước được xây dựng và kiện toàn tại trung ương và địa phương, đặc biệt là sự ra đời của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngày càng hoàn thiện. Nhiều Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành.
Hạ tầng công nghệ thông tin đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, từng bước hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội với hàng chục triệu hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4...