Nâng cao năng suất nông nghiệp bằng khoa học công nghệ

Giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp nước ta đang có xu hướng giảm dần, trong khi đó ngành này lại phải đối mặt với nhiều thách thức lớn là diện tích đất và lực lượng lao động giảm nhanh nhưng mục tiêu về sản lượng, chất lượng lại phải tăng lên. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch.

Công nghệ thấp làm giảm giá trị


Sáng qua (11/8), Bộ NN&PTNT tổ chức tổng kết chương trình phát triển khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2006 – 2010 và triển khai nhiệm vụ 2011 – 2015. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), trong 5 năm qua đã có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm các cấp được triển khai. Qua đó tạo ra được 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc thành công 29 dòng, giống vật nuôi mới; 20 quy trình công nghệ về bảo vệ thực vật được áp dụng vào sản xuất…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự Hội nghị tổng kết công tác khoa học công nghệ 2006-2010 và định hướng 2011-2015 của Bộ NN&PTNT tổ chức. Ảnh : Đình Huệ - TTXVN


Nhưng theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hoạt động KHCN trong nông nghiệp của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế và thấp kém so với các nước trong khu vực. Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành khoa học công nghệ trong nông nghiệp là lực lượng và trình độ khoa học của chúng ta còn tương đối thấp so với quốc tế. Đặc biệt là nhân lực trong một số lĩnh vực chất lượng cao. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất rất khiêm tốn, vì nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn chế.

Ngoài ra, “với nền sản xuất phần nhiều phân tán, quy mô nhỏ, việc chuyển giao khoa học công nghệ rất khó. Ví dụ, chăn nuôi hộ gia đình, mỗi gia đình chăn nuôi một cách khác nhau nên khó áp dụng khoa học kỹ thuật hàng loạt được”, ông Hùng nói.

Không chỉ công nghệ sản xuất, mà công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến của Việt Nam cũng còn hạn chế, trừ một số mặt hàng được chế biến theo đơn đặt hàng của một số nước lớn, còn lại công tác này của chúng ta gần như chưa phát triển. “Chính vì vậy giá trị của hàng nông lâm, thủy hải sản của chúng ta thường bị thiệt thòi về giá trên thị trường quốc tế. Do đó, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương ưu tiên áp dụng khoa học công nghệ vào công tác sau chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của ngành nông nghiệp”, ông Hùng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật vào đời sống cần một đội ngũ khuyến nông đủ mạnh, nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ có 33.000 nhân viên khuyến nông cho 24 triệu nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, với 33.000 nhân viên khuyến nông hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nông dân, hơn nữa nhiều nhân viên khuyến nông còn chưa có kinh nghiệm, chưa có đủ trình độ để giải đáp hết mọi vấn đề người dân đặt ra.

Không nghiên cứu dàn trải

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp nước ta hiện đang có xu hướng giảm dần, chuyển dịch cơ cấu ngành chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với thách thức lớn là diện tích đất và lao động nông nghiệp giảm đi nhưng mục tiêu về sản lượng, chất lượng lại tăng lên.

Do đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, muốn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN, phát triển những cơ sở sản xuất mẫu, mô hình trình diễn thật cho người dân thấy hiệu quả. Đồng thời, tạo động lực kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Mục tiêu đến năm 2015, giá trị tăng thêm do KHCN trong nông nghiệp đem lại đạt 40% và tới năm 2020 con số này là 60%.

Nhấn mạnh tới vai trò của công tác khuyến nông, Phó Thủ tướng lưu ý ngành nông nghiệp cần nghiên cứu để những cán bộ khuyến nông có thêm cơ chế về kinh tế, phải “sống bằng hai nguồn thu, từ Nhà nước và từ chính người nông dân” để tạo thêm động lực cho họ. Đối với việc phân cấp quản lý các nhiệm vụ, đề tài KHCN, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành cần có cơ chế rõ ràng trong giao chọn đề tài; cố gắng giao nhiệm vụ thực hiện đề tài trong thời gian trung hạn từ 3 – 5 năm, giao khoán và đặt hàng mua sản phẩm nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở hiệu quả thực tế. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng khuyến khích hình thành các doanh nghiệp làm nhiệm vụ chuyển giao công nghệ ở các viện nghiên cứu để bản thân các nhà khoa học, chủ đề tài nghiên cứu cũng có thể tham gia.

Thực tế trong 5 năm qua, việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào đời sống còn mang tính dàn trải. Do vậy, ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường cho biết, trong 5 năm tới, có rất nhiều đối tượng cần được nghiên cứu nhưng phải cụ thể. Chúng ta chọn những sản phẩm nào là chủ lực quốc gia, xác định vấn đề gì ưu tiên để nghiên cứu. Trong nông nghiệp thường mất nhiều thời gian để nghiên cứu nên chọn con gì, cây gì để nghiên cứu rất quan trọng, nếu chọn sai rất khó sửa đổi.

Mặt khác, “chúng ta phải xem Việt Nam có tiềm năng lĩnh vực gì thì mới nghiên cứu lĩnh vực đó, ví dụ cà phê, chúng ta bắt đầu có một số thương hiệu, không nên chạy theo nước ngoài mà phải tìm ra sản phẩm của riêng mình”, ông Hùng nói.

Khi có một chính sách đồng bộ cả về đội ngũ khoa học, kinh phí đầu tư cho khoa học và đội ngũ khuyến nông thì việc áp dụng tiến bộ khoa học vào đời sống mới có thể thành hiện thực.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN