Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết ngay sau khi Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị được thông qua và ban hành, năm 2013, sáng kiến ký kết, triển khai thực hiện các chương trình phối hợp giám sát nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ của 5 cơ quan tổ chức: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân của hai cơ quan là Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ đều tiến hành trong năm 2014. Đây là bước đi đầu tiên để cụ thể hóa quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời thể hiện sâu sắc vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Từ kết quả thực hiện 2 chương trình phối hợp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những thuận lợi, cách thức phối hợp giám sát hiệu quả, hậu giám sát các cơ quan liên quan; kiến nghị cơ chế, nội dung, cách thức phối hợp, đặc biệt là hướng trọng tâm triển khai trong thời gian tới trong việc giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở.
5 năm qua, các chương trình phối hợp đã góp phần tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý… tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật. Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân được tổ chức thường xuyên và đạt được những kết quả tích cực. Thông qua phối hợp, chương trình đã thúc đẩy đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới, các đại biểu dự hội nghị cho rằng các cơ quan tham gia chương trình phối hợp cần rà soát việc triển khai các nội dung phối hợp giám sát, chủ động đề xuất những nội dung giám sát, theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát và sớm xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động giám sát hàng năm. Bên cạnh đó, các cơ quan cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên; kịp thời khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng những điển hình, mô hình tiên tiến trong việc triển khai các nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, các bên tiếp tục tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo; chủ động tham gia phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở khi có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân thông qua các biện pháp hòa giải, tuyên truyền, giáo dục, giải thích chính sách, pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở. Các cơ quan tăng cường hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở để phòng ngừa, hạn chế phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; giám sát một số chuyên đề, lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật...