Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh nêu rõ: Hiện, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập 7 Hội đồng tư vấn với 126 thành viên, với thành phần tham gia gồm các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực, đa số đã nghỉ hưu (trong đó, có 26 vị là Giáo sư, 21 vị là Phó Giáo sư, 25 vị là Tiến sĩ, 10 vị là chức sắc tôn giáo). 63 tỉnh, thành đều thành lập Hội đồng tư vấn với 1.440 người tham gia; 41 tỉnh thành thành lập Ban tư vấn ở cấp huyện với 5.468 người tham gia.
Nhiệm vụ của các Hội đồng tư vấn là giúp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nghiên cứu, đề xuất ý kiến về những nội dung liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước trong quá trình soạn thảo, bổ sung, sửa đổi pháp luật, quy định liên quan; hỗ trợ Mặt trận cùng cấp trong công tác giám sát phản biện xã hội, tham gia góp ý Đảng, xây dựng chính quyền hoặc tham gia góp ý kiến đối với các dự thảo một số chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý một số văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, một số đề án phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các Hội đồng tư vấn giúp Mặt trận lắng nghe, tiếp thu, tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân...
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng dù đã có nhiều kết quả nhưng hoạt động của các Hội đồng tư vấn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong đó, có việc chưa có cơ chế, quy định cụ thể về việc về việc MTTQ Việt Nam các cấp “đặt hàng” với các Hội đồng tư vấn về những vấn đề bức xúc, nổi cộm đang xảy ra trong xã hội.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, Mặt trận mới chỉ dừng ở góp ý, chưa thực sự phản biện, bởi, nếu phản biện khoa học phải đưa ra được những kiến nghị xác đáng để cơ quan quản lý nhà nước xem xét. Ông Đỗ Duy Thường kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, cộng tác viên. Ngoài ra, các Hội đồng tư vấn cần lựa chọn thành viên là những nhân sỹ, trí thức có uy tín với xã hội. Hoạt động của Hội đồng tư vấn cần tập trung phản biện các dự thảo Nghị định, chính sách của Chính phủ; giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giải quyết những vấn đề bức xúc của dân, trong đó có giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cùng ý kiến, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội đề xuất cần thu hút đông đảo các nhân sĩ, trí thức uy tín để nâng cao chất lượng, hoạt động của Hội đồng tư vấn, nhất là trong nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.
Góp tiếng nói từ cơ sở, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng, vai trò của MTTQ trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát, phản biện xã hội càng được đề cao, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức tư vấn là rất quan trọng, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.
Để phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn này, bà Thủy đề nghị MTTQ các cấp cần chú trọng, đẩy mạnh công tác kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn; khai thác, phát huy, tổng hợp được trí tuệ, kinh nghiệm của thành viên các tổ chức tư vấn các cấp; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tư vấn xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm sát với nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ theo từng năm. Ngoài ra, MTTQ các cấp nên thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng hoạt động cho các thành viên Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn; trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các tổ chức tư vấn ở các cấp, các địa phương...