Năm 2019, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành đã có nhiều đổi mới toàn diện các mặt công tác và thu được nhiều kết quả quan trọng. Đáng chú ý, các trường chính trị đã mở được 2.500 lớp đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hệ khác nhau với trên 193 ngàn học viên. 11 trường bộ, ngành đã mở được 59 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 4.143 học viên.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng với phương châm luôn xác định lấy cả người dạy và người học làm trung tâm, các trường chính trị đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, gắn việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu của thực tiễn và của học viên. Các trường chú trọng đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường những chuyên đề thực tiễn, chuyên đề kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tăng cường thảo luận, đổi mới cách nghiên cứu thực tế, chú ý khâu lấy ý kiến người học…
Đáng chú ý, năm 2019, các trường chính trị cấp tỉnh đã thực hiện 2 đề tài khoa học cấp bộ, 21 đề tài khoa học cấp tỉnh, 157 đề tài khoa học cấp trường, 70 đề tài cấp khoa; 95 hội thảo cấp tỉnh; 328 hội thảo cấp trường, liên trường, cấp khoa. Các trường đã có 431 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận và áp dụng hiệu quả tại cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2019, dù đã có bước đột phá nhưng vẫn còn một số địa phương có lúc chưa nắm đầy đủ tình hình hoạt động của các trường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi cần thiết. Một số công việc trong chỉ đạo, thực hiện của Học viện về công tác trường chính trị còn chậm...
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2020 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện các mặt công tác; năm vận hành trên toàn hệ thống bộ máy tổ chức, công tác trường chính trị, trường bộ, ngành. Do đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ như tiếp tục tổ chức đoàn công tác làm việc với một số tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các trường chính trị; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác trường chính trị…; tổ chức một số đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, theo ông Nguyễn Duy Bắc, cần có những giải pháp cụ thể, tích cực để tập trung xây dựng trường chính trị chuẩn, xem đó là nhiệm vụ vừa có tính cấp thiết trước mắt vừa có tính chiến lược lâu dài để khẳng định vị trí, vai trò của trường chính trị, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Bên cạnh việc triển khai các đề tài phục vụ giảng dạy, học tập, các trường hướng trọng tâm sang nghiên cứu các đề tài phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội…