Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Đặng Xuân Hoan cho biết, qua một năm thực hiện Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg, Học viện đã sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc học viện. Theo đó, các đơn vị thuộc và trực thuộc học viện giảm từ 22 xuống còn 17 đơn vị; các đơn vị bên trong cũng giảm đáng kể từ 96 đơn vị cấp phòng và tương đương xuống còn 92 đơn vị. Học viện đã triển khai nghiên cứu, xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức với nguyên tắc không chồng chéo, không trùng lặp.
Ngoài ra, học viên tập trung thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo sau đại học. Quy mô bồi dưỡng năm 2018 đã tăng lên 1,6 lần so với năm 2017 với gần 22.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương sự chủ động, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nội vụ; sự cố gắng của Học viện Hành chính Quốc gia trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước đang được triển khai ở mọi cấp, mọi ngành, các địa phương trên toàn quốc, trong đó, vai trò của Học viện Hành chính Quốc gia rất quan trọng. Học viện phải tích cực, chủ động đóng góp một phần trách nhiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Phó Thủ tướng đề nghị Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chủ động nghiên cứu sâu hơn, toàn diện các quy định, đề xuất chiến lược phát triển của học viện với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về hành chính công, chính sách công, quản trị công…
Học viện cần xác định tầm nhìn 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa, phải có khát vọng vươn lên, phải trở thành một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý ngang tầm khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương; đủ năng lực đảm nhận trọng trách lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, khẳng định vị trí không thể thay thế để mỗi lần nhắc đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cao, cấp chiến lược là nhắc đến Học viện Hành chính Quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong đào tạo, bồi dưỡng, học viện cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc người học thực sự là trung tâm; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là trọng yếu; mọi nỗ lực, đổi mới cần hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng tại học viện phải là quá trình phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các thầy cô giáo phải thực sự là những chuyên gia, người thầy về tri thức lý thuyết và thực tiễn.
Trong giai đoạn tới, học viện cũng cần dành nguồn lực cần thiết để phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu; tăng cường các hoạt động trao đổi học giả, các chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch đầu tư để phát triển năng lực cho đội ngũ giảng viên của học viện, đồng thời, tạo cơ chế để học viện thu hút nhiều hơn trí thức ngoài nước, có uy tín về chính sách công, quản trị công, hành chính công…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Học viện Hành chính Quốc gia cần đổi mới chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng. Nội dung chương trình phải gắn kết với yêu cầu thực tiễn, bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời, trang bị những nền tảng cần thiết cho công việc trong tương lai. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng không chỉ tập trung vào tri thức, còn phải phát triển kỹ năng, định hướng giá trị, thiết lập khát vọng tương lai cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; gắn kết giữa nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, dự báo với xử lý tình huống thực tiễn.
Phó Thủ tướng lưu ý, Học viện Hành chính Quốc gia cần đặc biệt nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nâng cao tính độc lập, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn sâu sắc. Các sản phẩm khoa học phải góp phần tạo ra tri thức mới, phục vụ có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.