Phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Luật. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.

Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước, tổ chức ở Trung ương: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; các cơ quan nhà nước ở địa phương: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Việc tổ chức lấy ý kiến thông qua các hình thức gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật; các hình thức khác phù hợp.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Luật, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành mục đích, yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân; tuy nhiên, đề nghị bổ sung yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức trong quá trình lấy ý kiến.

Về thời gian lấy ý kiến (Điều 5), hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành thời gian lấy ý kiến như quy định trong dự thảo Nghị quyết (bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 28/2/2023).

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, thời gian từ ngày 3/1 - 28/2/2023 trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023; do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15/3/2023. Đồng thời, để bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án Luật, quy trình thẩm định, thẩm tra dự án Luật, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án Luật vào thời điểm sau ngày 20/4/2023 (tương tự như phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia). 100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai.

Thực chất, hiệu quả, khách quan

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thực tế có ít luật tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do đó, cần làm rõ việc lấy ý kiến nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, tinh thần là “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm”, vậy nội hàm “nhân dân” trong lấy ý kiến nhân dân được xác định như thế nào? Gồm những ai? Có phải gồm người dân và doanh nghiệp không? Đây là nội dung cần được làm rõ.

Vấn đề khác là cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức. Nếu chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, người dân liệu có thể thấy hết được vấn đề. Hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có... để người dân nắm được.

Nhấn mạnh thực chất, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cần làm rõ vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp. Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, trong quá trình lấy ý kiến thì vai trò của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo như thế nào? Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội xác định ra sao?

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về mà các cơ quan của Quốc hội cần có sự chủ động tham gia, cùng với đó phát huy vai trò giám sát. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian ngắn, cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân để tổ chức hợp lý, tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần tránh câu chuyện có thể có những ý kiến rất xác đáng, sắc sảo, cần thiết nhưng không phù hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, không được tổng hợp. Ý kiến đó nếu vì lợi ích chung của người dân cần bổ sung, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước thấy không phù hợp nên không được đưa vào. Vì vậy, kết quả lấy ý kiến đề nghị gửi cả về Quốc hội song song với gửi về Chính phủ và cần tổng hợp đầy đủ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, sau khi xin ý kiến, việc tổng hợp cần có rất nhiều kênh, để bảo đảm việc lấy ý kiến trung thực, khách quan. Việc này để tránh việc cơ quan xin ý kiến chỉ tổng hợp những gì thuận lợi cho mình, dẫn đến kết quả lệch lạc.

Về thời gian lấy ý kiến, ông Bùi Văn Cường đề nghị, kéo dài thời gian đến ngày 15/3/2023 hoặc hết tháng 3/2023 bởi nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, có tác động lớn đối với nhân dân. Về nguyên tắc, tháng 5 mới bắt đầu kỳ họp của Quốc hội và tháng 10 mới thông qua dự thảo Luật, do đó cũng có độ trễ thời gian. Trong giai đoạn này, nếu triển khai Nghị quyết cũng bắt đầu vào giai đoạn Tết cổ truyền. Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, thời gian lấy ý kiến như vậy là rất gấp. Do đó, cần cân nhắc, nghiên cứu về vấn đề thời gian.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 100% thành viên có mặt tán thành. Thời gian lấy ý kiến là từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023.

Phan Phương (TTXVN)
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong 2 tháng đầu năm 2023
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong 2 tháng đầu năm 2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN