Làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng

Việt Nam có rất nhiều cán bộ khoa học công nghệ (KHCN) đang trực tiếp nghiên cứu ở lĩnh vực nông nghiệp, kinh phí đầu tư cũng khá lớn. Tuy nhiên, KHCN phục vụ cho nông nghiệp chưa được như mong muốn, người nông dân vẫn phải đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đã giải đáp những băn khoăn này trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.


Kinh phí còn khiêm tốn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hơn 10.000 người làm công tác KHCN là thuộc đội ngũ cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Số kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu cũng không phải là hàng nghìn tỷ đồng vì trong đó, từ 30 - 40% được dành cho chi thường xuyên - tức là trả lương và nuôi bộ máy của các viện nghiên cứu của Bộ NN&PTNT; còn khoảng 60% dành cho hoạt động nghiên cứu kể cả các nhiệm vụ cấp bộ và cấp nhà nước.

Bộ trưởng so sánh, nếu tính bình quân cho 10.000 cán bộ nghiên cứu hoặc chia bình quân cho các viện nghiên cứu của Bộ NN&PTNT, thì lượng kinh phí dành cho mỗi viện hoặc cho một cán bộ nghiên cứu rất nhỏ. Đứng ở góc độ một hộ nông dân, đó là số tiền rất lớn, nhưng ở góc độ nghiên cứu của một quốc gia, con số này còn khiêm tốn. So với một số quốc gia láng giềng, mức đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam chỉ bằng 1/10, thậm chí là 1/100. Bên cạnh đó, còn có nhiều bất cập khác trong ứng dụng KHCN vào nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đến nay đã có bước phát triển vượt bậc, đã có thứ hạng trên thế giới trong việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản và thủy sản đạt tới khoảng 30 tỷ USD, chiếm trên 20%/năm tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta cũng đã có nhiều mô hình sản xuất lớn như Công ty bảo vệ thực vật An Giang đã có quy mô sản xuất hàng trăm ngàn ha, với đội ngũ hơn 1.000 kỹ sư nông nghiệp và có 2 viện nghiên cứu. Công ty này đầu tư theo chuỗi và rất thành công. Hoặc nhiều đơn vị ở các tỉnh Thái Bình, Nghệ An đã làm tốt việc đầu tư cho nông nghiệp và có hiệu quả cao.

“Chúng tôi thấy rằng, KHCN cần đến được với mọi địa bàn, làm sao không còn cảnh lạc hậu trong canh tác, sản xuất kinh doanh. Với mô hình đã có, tin rằng trong thời gian không xa, nông nghiệp Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng lạc hậu và có thể làm ra nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định.

Chưa tự túc được giống

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch là công đoạn quan trọng trong việc nâng cao giá trị của nông và thủy sản. Để làm chủ được một công nghệ và đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp, thời gian 1 năm có thể coi là không dài. Năm 2013, Việt Nam bắt đầu tiếp cận với công nghệ bảo quản chất lượng nông, thủy sản và thực phẩm (CAS) của Nhật Bản và gần đây là công nghệ bảo quản rau quả của Israel. Kết quả chúng ta đã làm chủ được công nghệ CAS, thí nghiệm thành công trên cá ngừ, tôm sú và quả vải thiều. Vụ vải vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 1 container sang Nhật Bản và được bạn đánh giá cao. Tuy nhiên, để đầu tư, Việt Nam phải xây dựng thị trường, để Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu vải thiều của Việt Nam. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm việc với các đối tác Nhật Bản để sớm đưa quả vải vào danh mục hàng nhập khẩu sang Nhật Bản. Tương tự, với cá ngừ đại dương, trong năm qua Việt Nam đã làm được 2 việc lớn, đó là, tiếp thu và làm chủ được KHCN về thiết bị câu cá ngừ, đồng thời đã chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản cá ngừ theo công nghệ CAS tại Phú Yên. Với việc làm chủ thiết bị câu cá ngừ và có thể tự sản xuất được, đồng thời, bảo quản được cá ngừ theo công nghệ CAS, sắp tới cá ngừ đại dương của Phú Yên, Bình Định sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản nhiều hơn và bán được giá hơn, có thể gấp 3 lần giá hiện nay.

“Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ cũng như sản xuất ở quy mô công nghiệp. Đối với các loại quả cũng sẽ sử dụng công nghệ của Nhật Bản và Israel để đảm bảo chất lượng và nâng cao được giá thành”, Bộ trưởng đánh giá.

Liên quan đến canh tác cây trồng biến đổi gen, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, trên thế giới hiện nay có hai xu hướng trái ngược nhau: Một số quốc gia tích cực trồng những cây biến đổi gen như Hoa Kỳ và một số nước ở châu Á; ngược lại, các nước ở châu Âu rất thận trọng, không muốn sử dụng giống cây trồng này, đặc biệt là những cây lương thực. Việt Nam nhiều năm qua đã trồng khảo nghiệm 3 loại cây biến đổi gen là: Cây bông, đỗ tương và cây ngô. Tuy cũng có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cũng chưa có nghiên cứu nào cho rằng cây ngô và đỗ tương biến đổi gen sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực tế, nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước khác đã cho canh tác diện tích rất lớn cây trồng biến đổi gen. Cây trồng loại này có ưu điển lớn là năng suất cao và ổn định, có thể chống chịu được một số yếu tố như: Khí hậu, sâu bệnh. Tuy nhiên, nếu trồng cây biến đổi gen sẽ bị phụ thuộc về giống, do Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ này. Như vậy, song song với việc cho phép sử dụng cây trồng biến đổi gen, lực lượng KHCN phải nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ để tự túc được giống; Đồng thời, vẫn phải nghiên cứu cái tác hại nếu có, lâu dài của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người.

Trọng Thủy

Phát triển Khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên:Hợp tác đồng bộ để phát triển
Phát triển Khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên:Hợp tác đồng bộ để phát triển

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình Tây Nguyên 3) đã đạt nhiều kết quả khả quan, áp dụng vào thực tiễn đời sống sản xuất của vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN