Chiều 30/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ đầu tiên của năm 2015. Cùng tham gia cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức còn có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành của Trung ương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Trao đổi với phóng viên các cơ quan Thông tấn, báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô tích cực hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất công nghiệp tăng cao; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tăng khá, ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tiến độ thu ngân sách nhà nước ước đạt 9,8% dự toán năm, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI ước đạt 505 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi ước đạt 120 triệu USD, tăng 10%...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho biết: Do tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam, nổi lên là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống 44,41 USD/thùng (29/1/2015) và có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I/2015. Tuy nhiên, theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn như: tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; ngành dầu khí và thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng do giá dầu thô thế giới giảm mạnh; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; kiên định và bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, lạm phát và cân đối ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu về mức 3%; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn nhưng chú ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng, giữ ổn định tỷ giá. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường; phòng chống buôn lậu, phát hiện và xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả. Kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tăng cường thanh kiểm tra việc định giá của doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá; đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về dự trữ xăng dầu khoảng từ 1 đến 1,5 triệu tấn...
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các bộ ngành tham dự còn trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan Thông tấn, báo chí về những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
Máy bay rơi do yếu tố kỹ thuậtBộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, việc máy bay UH-1 rơi ở Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) hoàn toàn là do yếu tố kỹ thuật, không phải vì máy bay cũ, hết niên hạn sử dụng. Bộ Quốc phòng đã cử đoàn kỹ thuật cấp cao cùng cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân vụ việc. Nhận định ban đầu được thống nhất là do kỹ thuật, không có vấn đề gì khác.
Trước ý kiến về việc Việt Nam sử dụng máy bay cũ, liệu có an toàn và có nên mạnh dạn ngưng sử dụng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Máy bay rơi sáng 28/1 là UH-1mang số hiệu 7912 sản xuất năm 1970. Theo quy định, cách tính tuổi thọ máy bay dựa theo trạng thái, máy bay này đã hoạt động được 4285 giờ. Chiếc máy bay này đã được sửa chữa lớn lần 2 tại Hoa Kỳ vào năm 2012, được thay động cơ mới, thời gian hoạt động sau sửa chữa là 187 giờ, trong khi động cơ mới có thời hạn 2.400 giờ bay (vẫn còn 2.213 giờ bay). Như vậy, máy bay gặp nạn do kỹ thuật, không phải do máy bay cũ. Bộ Quốc phòng đang rà soát lại các máy bay loại này”.
Bảo đảm chu đáo cho nhân dân đón TếtTrả lời về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi Tết Nguyên đán cổ truyền đang đến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp đã làm việc với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân đón Tết. Ngày 5/2 tới, Bộ sẽ tiến hành họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước về an toàn thực phẩm dịp Tết.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước hết phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó là giám sát tại các chợ đầu mối, giám sát trên đồng ruộng. Bộ đã hình thành hai ban điều phối cung cấp lương thực thực phẩm, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân đón Tết.
Về việc đảm bảo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Thủ tướng đã đồng ý xuất gạo cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa… tập trung lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, có công, người lao động nghèo, các địa phương đã huy động được khoảng 24 tỷ đồng để thực hiện việc này”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân trong dịp Tết bằng cách xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Tăng cường xử lý vi phạm giao thông, xe quá tải, để giảm tai nạn giao thông trong dịp Tết.
“Bút phê” là để giao nhiệm vụTrả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới vụ việc Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường bị một doanh nghiệp tố cáo có "bút phê" vào văn bản sai quy định, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, về quy trình xử lý văn bản, Bộ GTVT có quy chế, quy định cụ thể về văn bản, giấy tờ đến và đi.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, các văn bản của doanh nghiệp gửi đến Bộ thì phải có bút phê của lãnh đạo Bộ để giao nhiệm vụ cho các phòng ban chức năng, đây là việc làm bình thường. Văn bản của Bộ từ năm 2014 cũng ghi rõ: Bút phê của lãnh đạo bộ chỉ là thông tin, không là căn cứ ưu tiên chọn thầu, xét thầu, tư vấn…
Việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bút phê vào văn bản của doanh nghiệp là đúng quy định và thẩm quyền. Kể cả bút phê của Giám đốc Ban quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ) trong văn bản của doanh nghiệp cũng đúng quy định và thẩm quyền. Hoàn toàn khác với thông tin được một số tờ báo điện tử trích dẫn bút phê này. Căn cứ vào báo cáo của Thứ trưởng Trường và văn bản lưu giữ tại Bộ GTVT, Bộ đã đề nghị Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) xem xét điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Về một số tin nhắn của một lãnh đạo doanh nghiệp liên đới tới Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, tố cáo này sai sự thật. Bộ đã báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và cũng đề nghị Tổng cục Cảnh sát điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Hồng Ninh - Hữu Vinh