Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Trịnh Đình Dũng cho biết, khi thị trường bất động sản đóng băng từ năm 2011 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thị trường bất động sản. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng có ngay những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; trong đó, khắc phục ngay tình trạng lệch pha cung – cầu và giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản nhưng gắn với chiến lược thực hiện nhà ở quốc gia và các giải pháp thực hiện.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, khi thị trường bất động sản ấm lên như hiện nay thì đã xuất hiện tình trạng đầu cơ. Từ đó, ở một số dự án, giá mua nhà của người sử dụng đã cao hơn nhiều so với giá chủ đầu tư bán ra lần đầu. Không những thế, đối với một số dự án có vị trí đẹp, hạ tầng dịch vụ đầy đủ, tiến độ thi công nhanh; giá đã được đẩy cao lên và chủ đầu tư cũng chủ động tăng giá. Mặc khác, có xu hướng có nhiều dự án bất động sản cũng được khởi công.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, theo các nghiên cứu của các chuyên gia cũng như kinh nghiệm của những nước trải qua thời kỳ “bong bóng’ bất động sản, thì bong bóng bất động sản sẽ chỉ xảy ra khi hội tụ đầy đủ các yếu tố sau: thứ nhất là nền kinh tế phát triển không ổn định và đặc biệt là phát triển nóng; thứ hai là các thị trường khác hoạt động không hiệu quả và thiếu hấp dẫn. Và lúc đó, người dân sẽ dồn tiền vào thị trường bất động sản; thứ ba là nguồn cung bất động sản lệch pha cung – cầu.
Thứ tư, là chính sách tài chính bất động sản lỏng lẻo; rồi chứng khoán hóa bất động sản; hạ chuẩn tín dụng bất động sản một cách dễ dàng; thứ năm là thiếu sự kiểm soát kịp thời của Nhà nước trong quá trình đầu tư xây dựng; đặc biệt là quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản. Các yếu tố trên, đối chiếu với tình hình hiện nay thì khó có thể xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, sự diễn biến của thị trường bất động sản rất phức tạp nên không thể chủ quan mà còn phải chủ động để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển bền vững và khi thị trường bất động sản bền vững thì sẽ làm cho các thị trường khác như: thị trường tài chính, tín dụng; thị trường vật liệu xây dựng và các thị trường hàng hóa khác… sẽ phát triển ổn định. Nhờ đó, sẽ phát triển ổn định nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để phát triển bền vững thị trường bất động sản, trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị; các pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Thời gian qua, một loạt các Luật đã được ban hành nhưng vẫn cần cụ thể hóa, hoàn thiện, bổ sung những vấn đề còn thiếu sót, hạn chế, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, cần tập trung kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy; đồng thời, khắc phục tình trạng đầu tư chỉ theo quy hoạch mà không theo kế hoạch.
Mặt khác, cần kiên trì thực hiện các giải pháp phát triển của thị trường bất động sản và thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia.
Do đó, cần tái cơ cấu thị trường bất động sản; tái cơ cấu các sản phẩm bất động sản để đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản thay vì trước đây các sản phẩm bất động sản cho một nhóm những người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường, còn thiếu rất nhiều sản phẩm dành cho những người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
Trong khi đó, những người dân này đang rất cần và họ có khả năng thanh toán. Do đó, chúng ta cần đa dạng hóa sản phẩm bất động sản để mọi người dân đều được cải thiện nhà ở và có thể có sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Phải kiểm soát thị trường tín dụng; trong đó, kiểm soát chặt chẽ thị trường tín dụng bất động sản; tập trung tái cơ cấu các doanh nghiệp bất động sản; nâng cao tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp; khắc phục những sản phẩm bất động sản kém chất lượng và những doanh nghiệp bất động sản không có khả năng kinh doanh, dẫn đến thua lỗ gây thiệt hại cho khách hàng cũng như cho nền kinh tế”, Bộ trưởng khẳng định.
Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng phát huy được hiệu quảTiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 17/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Phóng viên TTXVN tại Thanh Hóa, Quảng Nam, Cà Mau đã ghi nhận ý kiến cử tri về phiên chất vấn này.
Cử tri tổ dân phố số 9, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định (Nam Định) tập trung theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN |
Cử tri Thanh Hóa đồng tình với phần trả lời chất vấn
Cử tri Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau khi theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tôi thấy các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng đã đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Các câu trả lời này cũng tạo được sự đồng thuận cao.
Các câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đã giải đáp được nhiều vấn đề thắc mắc, băn khoăn của cử tri về việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bộ trưởng cũng đã giải đáp được những khó khăn, thuận lợi khi Việt Nam tham gia Hiệp định này.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, tại Thanh Hóa đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nắm rõ thông tin về TPP. Hạn chế này sẽ làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thua thiệt về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghệp dệt may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập chủ yếu từ Trung Quốc, quốc gia không phải là thành viên TPP, nên sẽ gặp nhiều khó khăn để được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.
Về vấn đề các công ty, doanh nghiệp bán hàng đa cấp, ông Hùng cũng cho rằng: Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã đề xuất được các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, xử lý về mặt pháp luật đối với các công ty, doanh nghiệp không đăng ký bán hàng đa cấp mà vẫn bán hàng đa cấp, hoặc các doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng cố tình vi phạm quy định pháp luật về bán hàng đa cấp làm thiệt hại đến người dân.
Đánh giá về chất lượng phiên thảo luận, cử tri Đỗ Văn Mười, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Các ý kiến chất vấn đã tập trung vào các vấn đề đang được cử tri cả nước quan tâm như: Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về phát triển kinh tế- xã hội; các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động du lịch…
Tại phiên chất vấn này, tất cả các thành viên Chính phủ đều đã có mặt và làm rõ các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phần trả lời đảm bảo ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào những vấn đề cử tri cả nước quan tâm, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện những “lời hứa” của mình từ đầu nhiệm kỳ.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng phát huy hiệu quả
Theo cử tri Trương Văn Lộc (số nhà 96, đường Trần Quý Cáp, Tam Kỳ, Quảng Nam ): “Nhìn chung, việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng phát huy được hiệu quả. Cử tri đã phần nào hài lòng khi những đại biểu của chúng tôi bầu ra thể hiện được nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, qua một số phiên chất vấn, có những vị đứng đầu các ngành còn trả lời chung chung, không rõ ràng, mong Quốc hội có chế tài cụ thể để có thể xử lý những vị đứng đầu ngành đã hứa trước Quốc hội, trước nhân dân nhưng đến cuối nhiệm kỳ vẫn không thực hiện được cơ bản lời hứa."
Cử tri Trần Hữu Phúc (thôn Phú Đông, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam ) cho rằng: Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thể hiện quyết tâm của Đảng, của Chính phủ, đến nay đã góp phần tạo ra một diện mạo mới cho một số vùng ở nông thôn Quảng Nam.
Tuy nhiên, để xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn thì việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực, xây dựng mạng lưới giao thông, đặc biệt là giao thông miền núi, vùng khó khăn cần được quan tâm hơn nữa. Bộ Giao thông - Vận tải cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Để việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông mang tính dài hơi và có tính chiến lược hơn, tránh tình trạng đầu tư manh mún, lãng phí tài sản công.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những giải pháp, chỉ đạo để những địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu mạnh hơn, tránh tình trạng, khi các “nguồn lực” bị rút đi thì các địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới lại “mất phương hướng”, thậm chí là có thể quay lại như trước khi xây dựng nông thôn mới.
Các vị Bộ trưởng cần thể hiện tốt trách nhiệm của mình
Ông Nguyễn Văn Phép, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau cho rằng: "Trong công tác phòng, chống tham nhũng thì có những nơi làm rất triệt để, nhưng tình hình chung, đi vào thực tế thì ở cấp cơ sở chưa giải quyết đến nơi, đến chốn vấn đề này. Cử tri Cà Mau đề nghị: Thông qua Kỳ họp Quốc hội lần này, các vị Bộ trưởng cần thể hiện tốt trách nhiệm của mình; nhất là nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá lại những việc mình đã làm được và chưa làm được; đồng thời có những giải pháp đề giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề khó khăn, hạn chế, tồn đọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi mong muốn, Quốc hội sẽ quan tâm và có giải pháp cụ thể nhằm phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng".
Ông Nguyễn Thanh Reo, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết: "Để thực hiện lộ trình của Hiến pháp 2013, trong đó có xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì hàng loạt các luật theo đó phải được sửa đổi, bổ sung đồng bộ, nhằm giúp Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương trong việc điều hành, lãnh đạo phát triển kinh tế -xã hội của cả nước".
Tuy nhiên, trong việc xây dựng các thể chế vẫn còn một số bất cập. Cụ thể là tiến độ, chất lượng của một số đơn vị trong việc tham mưu để xây dựng còn chậm, chất lượng thì còn một số văn bản chưa đạt yêu cầu... Để đảm bảo thực hiện tốt quyền này, trong thời gian tới, Quốc hội sớm hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở Hiến pháp 2013, theo chương trình hàng năm Quốc hội sẽ ban hành nhiều luật sửa đổi, bổ sung thực hiện lộ trình đó. Do vậy, các địa phương cần tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng các nghị quyết, quyết định đảm bảo về chất lượng, tiến độ soạn thảo theo chương trình, kế hoạch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình; trong đó đặc biệt chú ý về quyền con người, quyền cơ bản của công dân".