Hợp tác quốc phòng là yếu tố quan trọng để duy trì hoà bình

Cùng với nhân dân cả nước, cộng đồng người Việt tại Ấn Độ đang nô nức tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Nhân dịp này, Đại tá Phạm Thanh Lượng, Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Ấn Độ đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại New Delhi một vài cảm nghĩ về ý nghĩa của ngày lễ trọng đại này và một số nét trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam.

PV: Thưa Đại tá Phạm Thanh Lượng, nhân kỷ niệm tròn 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm trọng thể. Xin ông cho biết một số cảm nghĩ của mình về ý nghĩa to lớn của sự kiện này?

Ông Phạm Thanh Lượng: Đại thắng Mùa Xuân 30/4/1975 là ngày lễ trọng đại của dân tộc ta bởi đây là một trong những mốc son chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Thật không có gì hạnh phúc bằng được chứng kiến những thời khắc oanh liệt và huy hoàng đó. Đã 40 năm trôi qua, song âm hưởng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm thức và luôn thúc giục những người lính chúng tôi.
 

Đại tá Phạm Thanh Lượng, Trưởng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Ấn Độ trả lời phỏng vấn p/v TTXVN tại New Delhi. Ảnh: Đăng Chính


PV: Sau chiến thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975 giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục được xây dựng và phát triển, góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cũng như đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong thành công đó, có một phần không nhỏ công sức của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng. Xin ông cho biết một số nét chính về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua cũng như triển vọng hợp tác trong thời gian tới?


Ông Phạm Thanh Lượng: Chiến tranh đã lùi vào ký ức nhưng những bài học lịch sử quý báu trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước luôn được người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế nhắc đến. Bài học lớn nhất vẫn chính là chủ nghĩa yêu nước, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó là vai trò lãnh đạo của Đảng từ đường lối chiến tranh, nghệ thuật quân sự cho đến phương pháp chỉ đạo tổ chức thực tiễn.

Cuối cùng, chúng ta phải nói đến bài học về sự tranh thủ sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh bên ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới để giành độc lập. Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu để tồn tại và phát triển. Hợp tác quốc phòng là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng để thực hiện các mục tiêu quốc phòng của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam chủ trương mở rộng đối ngoại quốc phòng, tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh của khu vực và của cộng đồng quốc tế.

Trên tinh thần đó, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ trong những năm gần đây đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, vươn ra những hướng mới, thể hiện sự hội tụ lợi ích chiến lược ngày càng tăng.Về quan hệ quốc phòng song phương được đánh giá là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nhất là từ khi ký Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương (2009); hợp tác quốc phòng giữa hai nước thiết thực và hiệu quả hơn trong các lĩnh vực, như: Trao đổi đoàn các cấp; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng; đào tạo, trong đó chú trọng về đào tạo ngôn ngữ, kỹ thuật quân sự; hợp tác giữa các quân, binh chủng, trong đó đẩy mạnh hợp tác về hải quân, không quân và huấn luyện về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trên các diễn đàn đa phương, Ấn Độ đã ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 2 và gần đây hai bên đã thành lập Nhóm chuyên gia hành động mìn nhân đạo và triển khai với tư cách quốc gia đồng chủ trì. Hai bên hiện đang tăng cường các biện pháp để xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nhằm phát triển quan hệ hợp tác công nghiệp quốc phòng, góp phần giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn trong khuôn khổ quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ.

Tiềm năng hợp tác an ninh-quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ là rất lớn. Ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại vũ khí hiện đại và có khả năng hợp tác gồm: máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas; hệ thống tên lửa phòng không Akash; tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Prahaar và tên lửa hành trình chống tàu tốc độ siêu thanh BrahMos. Hệ thống cảnh báo sớm và tác chiến mô phỏng trong các quân binh chủng… Đây là tiềm năng có thể phù hợp với Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của quân đội ta.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!


Minh Lý-Đăng Chính (P/v TTXVN tại Ấn Độ)

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt Nam -Hoa Kỳ

Phía Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng phù hợp với quan hệ chung trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN