Hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế dự kiến được tổ chức ngày 23/4/2019 tại Hà Nội với chủ đề “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”.

Đây là dịp đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Khóa XI về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, nhấn mạnh hội nhập quốc tế bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn. Ảnh: TTXVN

Xin Thứ trưởng đánh giá ý nghĩa, kết quả của hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khóa XI?

Kết quả bao trùm là hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng đã đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên 3 khía cạnh:

Thứ nhất, tăng cường tin cậy chính trị và đan xen lợi ích giữa Việt Nam với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Các đối tác đều coi trọng, tín nhiệm và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam đã chủ động đảm đương và tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và toàn cầu. Điểm rất mới trong thời gian qua là những đóng góp của ta cho Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Từ tham gia, cử đơn lẻ từng sỹ quan, chúng ta đã điều động cả đơn vị Bệnh viện dã chiến cấp hai với 63 người.

Từ đó, ta đã khẳng định được vai trò rất quan trọng của đối ngoại quốc phòng, an ninh của Việt Nam và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, đóng góp  tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời góp phần tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thứ ba, hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng góp phần củng cố và phát triển nền tảng vững chắc cho hội nhập trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục.

Đơn cử, mạng lưới 30 nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện giúp bảo đảm 8/10 thị trường xuất khẩu chính của ta với 60,7% tổng giá trị xuất khẩu; 9/10 thị trường nhập khẩu chính với 74,7% tổng giá trị nhập khẩu; 76,7% tổng lượng du khách và 74% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Một kết quả rất quan trọng nữa là trong quá trình hội nhập, chúng ta đã không ngừng phát triển năng lực quốc gia, đặc biệt trong hoàn thiện về chủ trương, chính sách và chất lượng nguồn nhân lực. Bộ máy, nguồn nhân lực không ngừng được kiện toàn.

Ta đang và sẽ đảm đương nhiều trọng trách và có đóng góp quan trọng vào việc tìm giải pháp cho các vấn đề như Biển Đông, tiến trình phi hạt nhân hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại các diễn đàn ASEAN, Liên hợp quốc...

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc giữ được hòa bình, ổn định để tận dụng và phát huy lợi ích mà hội nhập quốc tế mang lại?

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta duy trì được môi trường hòa bình, ổn định. Đây là điều kiện rất quan trọng để chúng ta có thể phát triển trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất nhanh và phức tạp hiện nay.

Đồng thời, khi chúng ta đã tham gia hội nhập trong lĩnh vực này thì chúng ta cũng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định chung của cả thế giới. Chính vì thế, vị thế của đất nước được nâng cao, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế cũng ngày càng tăng, qua đó củng cố vững chắc thêm vị thế của chúng ta, tạo ra nền tảng để chúng ta thực hiện tốt một phương châm mà Đảng và Nhà nước đã đề ra từ rất lâu rồi là bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy”.

Chúng ta đã chủ động tích cực, tham gia có trách nhiệm, cũng như phối hợp với các đối tác trong nhiều vấn đề trọng yếu và trên các diễn đàn ở các cấp độ khu vực, liên khu vực và quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc... để cùng phát huy sức mạnh chung, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Trên nền tảng như vậy, ta đã tranh thủ cũng như kiến tạo các cơ hội, thắt chặt quan hệ, gia tăng đan xen lợi ích với các đối tác để phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

Thứ trưởng có thể nêu rõ hơn về việc áp dụng phương châm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy” trong bối cảnh hiện nay?

Đây là phương châm của cha ông ta từ xưa và cũng là quan điểm chỉ đạo mà chúng ta luôn bám sát trong quá trình hội nhập, phát triển đất nước. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là một trong những yếu tố rất quan trọng để bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cũng như tranh thủ nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

Vì vậy, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng sẽ giúp chúng ta: Một là tăng cường, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, qua đó bảo đảm được môi trường hòa bình, ổn định.

Hai là, hội nhập trong lĩnh vực này, nhất là khi chúng ta phát huy được vai trò trong các tổ chức, diễn đàn đa phương thì uy tín và vị thế của ta nâng rất cao, tất cả các đối tác đều muốn tăng cường quan hệ hợp tác với ta, tạo ra sự đan xen lợi ích giữa ta với các đối tác, góp phần vào việc bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, cũng như chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Cuối cùng, cũng rất quan trọng là qua hợp tác, hội nhập quốc tế thì hợp tác quốc phòng và an ninh của ta với từng đối tác trên các lĩnh vực cụ thể sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao tiềm lực quốc phòng, cũng như an ninh quốc gia của Việt Nam.

Do đó, trong bối cảnh như vậy, hội nhập quốc tế góp phần đẩy lùi những nguy cơ đối với đất nước của chúng ta, kể cả nguy cơ an ninh truyền thống cũng như an ninh phi truyền thống. Quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế như vậy góp phần giảm thiểu các nguy cơ và tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Điệp/TTXVN (thực hiện)
Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế sẽ diễn ra trong tháng 4
Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế sẽ diễn ra trong tháng 4

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế nhân dịp 5 năm thành lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN