Chiều 2/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định phong hàm đại sứ cho 35 cán bộ ngoại giao.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Quyết định phong hàm Đại sứ cho cán bộ của ngành Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Việc phong hàm đại sứ lần này là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những đóng góp của các cán bộ ngoại giao đối với công tác đối ngoại nói riêng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trước tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, tác động nhiều chiều đến an ninh, phát triển và môi trường đối ngoại của đất nước. Đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức của một giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao đứng trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng cũng rất vinh quang. Thời gian tới, ngành ngoại giao cần nỗ lực hơn nữa để củng cố môi trường hòa bình cho phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hóa giải các thách thức đối với an ninh đất nước. Ngành ngoại giao cũng cần phát huy vai trò của một binh chủng quan trọng hàng đầu trong thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, cố gắng tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Ngành ngoại giao cần coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh, trong sạch, vững mạnh, trí tuệ, dày dặn kinh nghiệm, phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã ký kết Quy chế hợp tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Bộ Ngoại giao.
2/4, tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy đường Tuyên Quang. Dự lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng thành công, ghi nhận thành quả lao động miệt mài của cán bộ công nhân viên công ty sau hơn 5 tháng đã hoàn thành công trình. Phó Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Tuyên Quang đã tạo môi trường thu hút đầu tư tốt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tại địa phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục tạo môi trường cho các nhà đầu tư bằng cách hỗ trợ xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu lâu dài. Với thiết bị như hiện nay, Nhà máy đường Tuyên Quang có thể đầu tư nâng công suất từ 4.000 tấn/ngày lên 8.000 tấn/ngày. Vùng nguyên liệu mía sẽ quyết định sự sống còn của nhà máy, vì vậy nhà máy cần phát triển vùng nguyên liệu một cách lâu dài, bền vững, năng suất, chất lượng cao; gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, đặc biệt tìm ra thị trường tiêu thụ rộng lớn không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Nhà máy cũng cần chú ý giữ gìn, bảo vệ môi trường nhất là trong mùa khô.
Nhà máy đường Tuyên Quang được đầu tư xây dựng với tổng số vốn trên 700 tỷ đồng, công suất thiết kế 4.000 tấn mía/ngày. Giai đoạn 1, nhà máy có công suất tiêu thụ khoảng 2.000 tấn/ngày, giai đoạn 2 (từ năm 2015) công suất sẽ nâng lên 4.000 tấn/ngày. Sau khi đưa vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 300 công nhân kỹ thuật và thu mua mía của hơn 30.000 hộ nông dân trồng mía trên địa bàn 72 xã thuộc 7 huyện, thành phố tỉnh Tuyên Quang.
* Ngày 2/4, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương, kiểm tra công tác thi đua - khen thưởng năm 2012 và kết quả 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” tại tỉnh Lạng Sơn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua của tỉnh Lạng Sơn; xác định rõ được hướng đi, điểm mạnh, điểm yếu để chỉ đạo một cách kịp thời, bài bản, phong phú, sáng tạo, làm cho nhận thức của các cấp ủy đảng, đảng viên và nhân dân có chuyển biến, nhận thức đúng về phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Mối quan hệ giữa các cấp, các ngành chặt chẽ, dân chủ, phân công phân nhiệm cụ thể; vận dụng sáng tạo các phong trào thi đua do Trung ương phát động để xây dựng các phong trào phù hợp với tình hình, đặc thù của tỉnh, tạo sự đồng thuận cao cả hệ thống chính trị, huy động được sức mạnh của toàn dân.
Phó Chủ tịch nước lưu ý tỉnh Lạng Sơn cần bố trí, tăng cường cán bộ cho công tác thi đua - khen thưởng để thi đua thực sự là động lực cho chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển; duy trì các phong trào thi đua, lãnh đạo chỉ đạo các phong trào thi đua theo hướng đổi mới hơn nữa. Cần khắc phục yếu kém như một số nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác thi đua - khen thưởng; đặc biệt là còn hành chính hóa công tác thi đua - khen thưởng, chưa chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp.
* Chiều 2/4, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trao 120 suất học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn từ Quỹ “Em không phải bỏ học”, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng.
Cũng nhân dịp này, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đã ủng hộ Quỹ trẻ em của tỉnh Lạng Sơn với số tiền trên 100 triệu đồng.
* Chiều 2/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã họp bàn về những nội dung đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách có liên quan đến dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.
Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, đối tượng của đề án tương đối rộng, cần căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xem xét lại quy mô của đề án. Đề án quy định người trong tuổi lao động mới được đào tạo là không hợp lý bởi nông dân làm nông nghiệp là không có tuổi, cần mở rộng đào tạo nghề với cả những đối tượng đã quá tuổi lao động mà còn sức khỏe. Quan điểm đào tạo là phải theo nhu cầu, song cần điều tra, khảo sát rõ nhu cầu học nghề đó có phù hợp với phát triển kinh tế ở địa phương không; nên ưu tiên đào tạo nghề cho các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ hơn việc tạo vốn cho người sau học nghề, học nghề gì, được vay vốn ở mức nào để có hướng sửa đổi trong Quyết định 1956/QĐ-TTg.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đã dành tiền cho đào tạo là phải hiệu quả. Để mở các lớp đào tạo, cần phải có quy trình cụ thể, nêu rõ ràng các bước thực hiện và người ký cho mở lớp phải chịu trách nhiệm về việc này; đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng phân cấp cho địa phương để thực hiện cho đủ chỉ tiêu dẫn đến lãng phí, đầu tư sai đối tượng, không thực hiện theo quy trình xác định nghề đào tạo, nhu cầu học nghề của người dân, hiệu quả dạy nghề hạn chế, chất lượng dạy nghề thấp như đã xảy ra ở một số địa phương. Phó Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng sổ tay chương trình dạy nghề lao động nông thôn để hướng dẫn quy trình mở lớp. Đây là cơ sở để lãnh đạo các địa phương xem xét mở lớp đào tạo nghề sao phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng thống nhất cần bổ sung thêm đối tượng tham gia đề án là những lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp ở các xã được nâng cấp lên thành phường nhưng chính sách này không được giữ quá 5 năm. Lao động ở các phường, thị trấn tham gia học nghề để làm nông nghiệp vẫn được đề án hỗ trợ nhưng nếu làm các nghề thủ công khác thì cần được cân nhắc thêm.
Đánh giá hoạt động điều tra, khảo sát thời gian qua chưa được tốt, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương hàng năm phải rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động để có bước đi phù hợp; đồng thời tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền để người dân học nghề xong được làm đúng nghề đã học.
TTN