Hoàn thiện, vận hành hiệu quả cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

"Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam có quyết tâm chính trị cao để nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2015- 2020, nhằm giải quyết những thiếu hụt pháp lý và bảo đảm tính hiệu quả thực thi".

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi tiếp Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm châu Á- Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) do ông David Becker, Giám đốc APG làm Trưởng đoàn đang làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam, vào chiều ngày 8/11.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống rửa tiền đã họp hồi đầu tháng 9/2019 nhằm triển khai quyết liệt các các công việc phục vụ cho đợt đánh giá đa phương này. Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành các nghị quyết hướng dẫn các điều về tội rửa tiền, tài trợ khủng bố của Bộ luật Hình sự. Chính phủ đã ban hành các nghị định liên quan tới tính tuân thủ theo Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), chuẩn bị ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế tăng trưởng cao, lạm phát thấp và tiếp tục thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời với đó, Việt Nam cũng tiến hành hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, đưa ra truy tố và xét xử nhiều vụ án lớn, trong đó có yếu tố rửa tiền.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam là một nước đang phát triển, còn ít kinh nghiệm trong thực hiện và tin tưởng đây là cơ hội để đoàn APG hiểu đầy đủ hơn về hệ thống chính trị, cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam để đưa ra những đánh giá mang tính xây dựng, giúp Việt Nam hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố qua từng năm. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; rà soát các quy trình thu thập, cung cấp thông tin, quy trình điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, tài trợ khủng bố; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực này; thực hiện điều tra tài chính song song để tăng cường tỷ lệ tịch thu, thu hồi tài sản từ tội phạm nói chung, trong đó có tội rửa tiền, tài trợ khủng bố và tăng cường truyền thông về lĩnh vực này.

Trưởng đoàn APG David Becker đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo các tài liệu báo cáo cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành, phục vụ cho việc đánh giá của APG. Ông David Becker cho biết, APG ghi nhận quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền. Các yếu tố của một nước đang phát triển như Việt Nam sẽ được tính tới để bảo đảm sự phù hợp và công bằng trong báo cáo đánh giá.

Ông Becker cho rằng, khi báo cáo đánh giá hoàn thiện sẽ có ý nghĩa tích cực tới cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia mà Đoàn đánh giá.

Việt Nam là thành viên của đoàn APG- một thành viên liên kết của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 vào tháng 7/2017, các thành viên của APG đã thông qua kế hoạch đánh giá đa phương về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam, sẽ diễn ra từ ngày 4-15/11/2019.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống rửa tiền
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống rửa tiền

Chiều 3/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống rửa tiền chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN