Hoàn thành đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao

Ngày 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng luật, pháp lệnh và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan, Hội nghị dành trọn một ngày, tập trung bàn sâu về các biện pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Theo quyết định của Quốc hội, năm 2018 Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 22 dự án luật và cho ý kiến về 3 dự án luật khác. Một điểm mới là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 được xây dựng theo hướng mở, những dự án luật chưa được thông qua tại kỳ họp trước có thể được bổ sung vào chương trình kỳ họp sau theo quyết định của Quốc hội. Đối với các dự án luật thuộc Chương trình Kỳ họp thứ 4 tới (diễn ra vào tháng 10/2017), đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 3/6 dự án Luật, cho ý kiến 6/12 dự án Luật.

Dự kiến tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến các dự án luật còn lại. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, đang phát sinh một số lượng lớn dự án luật được Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đề nghị bổ sung, điều chỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, khối lượng công việc trong công tác xây dựng pháp luật từ nay đến hết năm 2018, đặc biệt là chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 là rất lớn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại kéo dài trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh dẫn đến chương trình phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không thực hiện đúng kế hoạch, chất lượng một số luật chưa cao. Đó là có một số dự án luật, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị.

Trong nhiều dự án, văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa được trình đồng thời trong hồ sơ dự án luật; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự kiên quyết trong bảo vệ quan điểm của mình, còn nể nang, ngại va chạm, tính phản biện chưa cao...

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, kế hoạch bổ sung điều chỉnh Chương trình chưa rõ ràng, đòi hỏi các cơ quan liên quan phải đề cao trách nhiệm, hoàn thành đúng, đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao; kiên quyết chưa xem xét việc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án không đủ hồ sơ...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu, mặc dù Chính phủ đã quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục dành thêm thời gian để thảo luận về những dự án luật lớn, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, tránh tình trạng dự án Luật sang đến các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng ý kiến các bộ còn rất khác nhau, làm Ủy ban Thường vụ Quốc hội khó xử lý. "Đồng chí chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo thay mặt Chính phủ trình dự án, nói rõ quan điểm của Chính phủ thế này rồi, nhưng các thành viên khác của Chính phủ tham dự tại phòng họp này thì ý kiến lại ngược lại. Đấy là vấn đề cần rút kinh nghiệm"- Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Cùng với đó, Chính phủ cần kiên quyết, những dự án luật nào chưa đủ hồ sơ, chưa đúng quy trình, chất lượng không bảo đảm thì dừng lại ở Chính phủ, chưa chuyển sang Quốc hội, để các cơ quan liên quan hoàn thiện.


Đối với trách nhiệm thẩm định và cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc là phải làm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo phải đề cao vai trò, trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng văn bản, từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xử lý, hoàn thiện cho đến khi thông qua dự án luật, pháp lệnh. "Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, chất lượng, tiến độ trình dự án do cơ quan mình chủ trì, chuẩn bị; khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án đến cơ quan thẩm định".

Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trưởng ngành phải có mặt tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo, giải trình khi được yêu cầu. Trường hợp không dự được, đối với các dự án do Chính phủ trình thì báo cáo Thủ tướng để cử Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đó thay mặt Chính phủ trình dự án theo đúng quy định, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Chính phủ họp chuyên đề xây dựng pháp luật
Chính phủ họp chuyên đề xây dựng pháp luật

Ngày 22/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN