Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Các thành viên Chính phủ cho ý kiến vào 9 dự án luật, nghị định, báo cáo. Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, một số ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu tại cuộc họp, chỉ rõ thể chế là một trong những điểm nghẽn của sự phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội nhiều văn bản luật và ưu tiên công tác xây dựng thể chế trong các phiên họp thường kỳ trước khi bàn về kinh tế xã hội. Tuy vậy, thực tế, yêu cầu xây dựng, sửa đổi, bổ sung thể chế vẫn còn lớn.
Thủ tướng đánh giá, nhiều luật vẫn có sự trói buộc lẫn nhau. Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, thì có luật đưa ra lại “đẻ” thêm thủ tục, quyền hạn của bộ mình, ngành mình, “phải qua mình”, nên thủ tục chồng chất nhiều. Một số nội dung chưa sát với thực tiễn. Do đó, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ quan trọng là phải tháo gỡ để thể chế pháp luật, chính sách sát hơn với cuộc sống, thực hiện đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong một ngày làm việc, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào Dự án Luật cạnh tranh sửa đổi; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Nghị định xây dựng Dự án Luật chứng khoán sửa đổi; cho ý kiến về đề nghị xây dựng các nghị định gồm: Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của nhà nước; Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội…
Thảo luận về báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất của các bộ, cơ quan về xây dựng các dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch, Thủ tướng cho biết, một số bộ còn chậm báo cáo về công tác này. Yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn, để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Việc sửa đổi các luật liên quan đến các lĩnh vực này là rất cấp bách. Các bộ trưởng cần nhận thức rõ tinh thần đó để tập trung chỉ đạo. Các bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về báo cáo việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công được giao tại Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo tóm tắt về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của VCCI và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 4.284 yêu cầu, điều kiện đầu tư kinh doanh trong 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 15 bộ, được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, các điều kiện đầu tư kinh doanh đang quy định ở nhiều văn bản khác nhau rất đa dạng, phức tạp, chồng chéo về phạm vi quản lý, rất nhiều thủ tục quy định ở các nghị định, thông tư, quyết định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện đầu tư kinh doanh về tài chính, địa điểm, năng lực sản xuất, nhân lực, phương thức kinh doanh, quy hoạch... Đồng thời, thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD theo hướng thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn với các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ ràng để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước; chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy, Nhà nước kiểm tra ngẫu nhiên để bảo đảm tuân thủ pháp luật; triệt để áp dụng công nghệ quản lý theo hướng quản lý rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí...
Qua rà soát bước đầu và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về điều kiện đầu tư kinh doanh trong 3 lĩnh vực là công thương, giao thông vận tải và khoa học và công nghệ, VCCI kiến nghị bỏ 56 điều kiện và sửa đổi 4 điều kiện của 5/28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương; bỏ 27 điều kiện và sửa đổi 4 điều kiện của 4/29 ngành nghề thuộc lĩnh vực của Bộ Giao thông vận tải; bỏ 13 điều kiện và sửa đổi 5 điều kiện của 5/8 ngành nghề thuộc lĩnh vực của Bộ Khoa học và công nghệ.
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu kết quả rà soát của VCCI và Viện Quản lý kinh tế Trung ương, chủ động tự rà soát để sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Các bộ, ngành phải chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI, lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo sự đồng thuận về các kiến nghị sửa đổi. Song song với đó là tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh.