Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự, chỉ đạo hội nghị.
Đường Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhận định, Nghị quyết 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội Khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” là quyết định mang tính lịch sử đối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh liên quan.
Nhằm đánh giá những thành tựu nổi bật, rút ra bài học kinh nghiệm, những hạn chế, khó khăn và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU ngày 12/12/2017 về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12.
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và 30/30 quận, huyện, thị ủy đã tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15/2018/QH12. Trên cơ sở đánh giá của các đơn vị, Thành ủy đã chỉ đạo tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo, xin ý kiến của các bộ, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng, trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 15/2018/QH12, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã tích cực phát huy các tiềm năng, lợi thế; đoàn kết nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện. Điều này đã khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa lịch sử to lớn, giá trị thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới.
Cụ thể, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, số đơn vị hành chính của Thủ đô đã ổn định, diện tích Thủ đô được xác định là 3.358,92 km2, dân số là 7,7 triệu người (gấp 1,24 lần so với năm 2008); gồm 12 quận, 1 thị xã, 17 huyện, 584 xã, phường, thị trấn.
Thành phố đã trình Chính phủ và được chấp thuận ra Nghị quyết số 19/2009/NQ-CP về thành lập quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây; xác lập chính thức địa giới hành chính của huyện Mê Linh và 4 xã của tỉnh Hòa Bình bàn giao về thành phố Hà Nội; giải quyết thành công những vướng mắc, phức tạp về địa giới hành chính kéo dài nhiều năm giữa Hà Nội với Hòa Bình, Hà Nam và Vĩnh Phúc.
Tại thời điểm ban hành Nghị quyết, có 9 khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính (tại Hòa Bình có 7 khu vực, Vĩnh Phúc 1 khu vực và Hà Nam 1 khu vực). Để tháo gỡ, thành phố đã chủ động rà soát và đến nay việc cắm mốc địa giới hành chính trên thực địa, ký kết trên hồ sơ, bản đồ ở cấp xã, huyện, tỉnh của Hà Nội, Hòa Bình đã hoàn thành, bàn giao cho các địa phương liên quan quản lý.
Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng được đặc biệt chú trọng. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạch định và xây dựng Thủ đô sau hợp nhất. Tất cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã; quy hoạch ngành, lĩnh vực cơ bản đã hoàn thành và được phê duyệt. Đến hết năm 2017, Hà Nội đã phê duyệt được 26/35 đồ án quy hoạch phân khu, 31/33 đồ án quy hoạch chung. Tốc độ đô thị hóa một số huyện ven đô, thị xã, khu vực quy hoạch đô thị vệ tinh và các thị trấn đã được quan tâm, thu được những kết quả tích cực.
Việc xây dựng, phát triển không gian đô thị đã đạt một số thành công bước đầu. Các khu đô thị mới hiện đại, văn minh như: Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh… về phía Tây; Việt Hưng, VinHome RiverSide về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc… cùng với các khu đô thị mới trong vành đai 3 như Royal City, Times City, Trung Hòa Nhân Chính đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển.
Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án như công viên Kim Quy, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (huyện Đông Anh). Hiện tại thành phố Hà Nội đang xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư phát triển Thành phố thông minh khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Tuy nhiên, Hà Nội còn gặp một số chênh lệch về mức độ phát triển, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền. Phần lớn các huyện mới được hợp nhất về Hà Nội còn khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư phát triển. Công tác quy hoạch hầu như chưa được phát huy đồng bộ. Nhiều huyện đạt mức thu nhập bình quân năm 2008 dưới 10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10% như: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai…
Ngoài ra, nhiều trường đại học, bệnh viện lớn, nhà máy xí nghiệp vẫn trong trung tâm nội thành. Quy mô dân số, các hoạt động sản xuất kinh doanh và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội luôn trong tình trạng quá tải, mất cân đối. Chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế; xây dựng quản lý phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém; nhiều dự án còn chậm triển khai.
Tại hội nghị, có nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 là dấu mốc quan trọng, góp phần đưa Thủ đô phát triển lên tầm cao mới hướng tới văn minh, hiện đại, bền vững; tạo không gian rộng lớn với sự phong phú, đa dạng cả về địa lý, tài nguyên, dân cư.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, khi Quốc hội đưa vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô ra thảo luận tại nghị trường còn có nhiều ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Hà Nội đã làm bài bản và thành công.
Nếu không có chủ trương mở rộng địa giới, Hà Nội ngày nay sẽ không có không gian đủ tầm để phát triển Thủ đô trong tương lai. Đặc biệt, Hà Nội sáng tạo trong mở rộng địa giới hành chính đã góp phần tạo nên những kết quả rõ nét trong 10 năm vừa qua. Hà Nội đã “cân đong, đo đếm, tiên lượng” thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 một cách thận trọng, bài bản để có được kết quả hôm nay...
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Thành ủy tiếp thu, hoàn thiện dự thảo báo cáo quan trọng này để trình Trung ương.