Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng hoa, chúc mừng các điển hình tiên tiến được tôn vinh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và 350 đại biểu điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua, các ngành, các lĩnh vực của thành phố tham dự chương trình.
70 năm thực hiện "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" Ôn lại quá trình 70 năm thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, là minh chứng sáng ngời về lòng yêu nước nồng nàn; sự phấn đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cống hiến cho Đảng, cho dân tộc, Người luôn khát khao một ước muốn cháy bỏng “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Thấm nhuần tư tưởng và những lời dạy của Bác, theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, 70 năm qua, cán bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phát huy sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân xâm lược, người dân Hà Nội luôn đi đầu trong các phong trào thi đua: “Tuần lễ vàng”, “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Bình dân học vụ”…
Tự hào hơn nữa, Hà Nội chính là quê hương của các phong trào: Thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang” đã trở thành những cao trào cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nền tảng để phát triển các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ sau này. Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống là cái nôi của các phong trào hành động cách mạng, nơi khởi xướng và lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước.
Biểu diễn tiểu phẩm “Bác Hồ thăm lớp Bình dân học vụ”. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Thực tế đã chứng minh, trong nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội đã luôn tích cực đẩy mạnh và là nơi khởi phát, lan tỏa nhiều phong trào thi đua yêu nước. Thành phố luôn quan tâm đổi mới các phong trào thi đua cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức; bám sát, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố và của các ngành, các địa phương, đơn vị; tập trung giải quyết các khâu yếu, việc khó, các vấn đề phức tạp, bức xúc phát sinh trong quá trình phát triển của Thủ đô như: công tác quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tội phạm và tệ nạn xã hội...
Với những kết quả, thành tích xuất sắc đạt được qua các phong trào thi đua yêu nước, Thủ đô Hà Nội vinh dự được Đảng và Nhà nước ba lần tặng thưởng Huân chương Sao vàng, hai lần được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; được phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”; là thành phố đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vinh dự nhận giải thưởng “Thành phố vì hoà bình” của Tổ chức UNESCO.
Khuyến khích sáng tạo, nhân rộng điển hình tiên tiếnTrong quá trình triển khai thực hiện làm theo "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Bác, thành phố đã khuyến khích tính sáng tạo của các cấp, các ngành, các tổ chức, địa phương, đơn vị; từ đó xuất hiện nhiều phong trào, mô hình thiết thực, phát huy hiệu quả, nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân như phong trào: “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp”; thi đua thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của từng năm như: “Năm trật tự văn minh đô thị”, “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”...; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua “Người tốt - Việc tốt” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn quan tâm chỉ đạo và có nhiều giải pháp phát hiện, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” cho 80 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Thông qua thực tiễn các phong trào thi đua trên địa bàn Thủ đô, đã xuất hiện ngày càng nhiều những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Điển hình như Trung tá Phạm Văn Tuyến, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), đã nhiều lần dũng cảm cứu người. Bà Đinh Thị Thu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8 phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) đã có việc làm tốt, kiên quyết và hiệu quả trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng, giữ gìn vệ sinh sân chơi Khu nhà tập thể B12 - B13, phường Kim Liên, quận Đống Đa. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp quản lý cầu Nhật Tân - Đông Trù đã tổ chức đội tình nguyện và tham gia việc vá, chữa xe, trợ giúp người tham gia giao thông khi phương tiện bị hỏng hóc trên cầu Nhật Tân (Hà Nội)....
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm phát huy truyền thống và thế mạnh, năng động sáng tạo, hăng hái, tiếp tục phát triển các phong trào thi đua lên một tầm cao mới. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng mong muốn và tin tưởng mỗi đại biểu điển hình tiên tiến sẽ luôn là những hạt nhân, nòng cốt, tích cực góp phần lan tỏa, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, kết nối sức mạnh, tạo động lực to lớn cùng nhau phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của nhân dân cả nước như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Có thể khẳng định, trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là nền tảng, động lực lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, mọi cấp, ngành hưởng ứng tham gia. Với tinh thần ấy, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ngày càng thấm sâu, lan tỏa, thiết thực, hiệu quả, thực sự là động lực để khơi nguồn sức mạnh của toàn xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.