Những trường hợp đến mức phải xử lý kỷ luật, đều xử lý nghiêm minh để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và phòng ngừa sai phạm nghiêm trọng xảy ra, qua đó góp phần nâng cao uy tín của Đảng, nâng cao vai trò công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với cán bộ, đảng viên.
Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng cho thấy, năm 2018, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.114 đảng viên (khiển trách 838 trường hợp, cảnh cáo 147 trường hợp, cách chức 22 trường hợp, khai trừ 107 trường hợp).
Bên cạnh đó, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với 44 trường hợp và thi hành kỷ luật 18 tổ chức Đảng (khiển trách 10 tổ chức, cảnh cáo 8 tổ chức).
Đáng chú ý, công tác thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức Đảng đã được cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp xem xét, giải quyết kịp thời, đồng bộ, xử lý kỷ luật về Đảng đồng thời với xử lý kỷ luật về mặt chính quyền, bảo đảm nghiêm minh. Về cơ bản, đại đa số đảng viên và tổ chức Đảng trong Đảng bộ thành phố chấp hành nghiêm kỷ luật.
Về những tồn tại, khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Đỗ Bá Ly cũng thẳng thắn chỉ rõ: Một số cuộc kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm tại một số địa phương còn hạn chế, chưa tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nổi cộm, bức xúc như quản lý đất đai, đầu tư, công tác cán bộ, kê khai tài sản... Có cuộc kiểm tra được tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm nhưng không kỷ luật đảng viên, hay tổ chức Đảng, do vậy hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, một số Ủy ban Kiểm tra chưa nhạy bén trong công tác tham mưu giúp cấp ủy cùng cấp nắm tình hình cơ sở; chưa chú trọng công tác tiếp đảng viên, công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, để người dân khiếu kiện đông người. Đặc biệt, ở một số địa phương, cán bộ được phân công theo dõi địa bàn chưa dành nhiều thời gian nắm tình hình cơ sở, có lúc, có việc thiếu sâu sát, chậm phát hiện hoặc không đề xuất được việc kiểm tra, xem xét, giải quyết những vấn đề phức tạp của địa phương, đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những thành tích mà các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã đạt được trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2018.
Nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2019, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, coi đây là phương thức bảo đảm chức năng lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, công khai, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ; lấy phòng ngừa là chính; đồng thời góp phần thúc đẩy hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015-2020 Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra.
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ thành phố cần tập trung triển khai toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng, trong đó chú trọng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những nơi mất đoàn kết nội bộ, những nơi có biểu hiện phát sinh điểm nóng về an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đối với những tổ chức Đảng và đảng viên có sai phạm đến mức xử lý kỷ luật phải xử lý nghiêm để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phát huy mạnh mẽ tinh thần chỉ đạo của Trung ương đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ thành phố Hà Nội năm 2018 và ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2019.