Hà Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư, Hà Nam đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo trong tình hình mới.

Ngày 28/3, Đoàn công tác của Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 

Chú thích ảnh
 Quang cảnh hội nghị buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với tỉnh Hà Nam.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nhân đạo đối với hoạt động an sinh xã hội của tỉnh Hà Nam. Đánh giá cao vai trò của Hội Chữ thập đỏ trong bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam để triển khai có hiệu quả các chương trình, hoạt động trọng tâm của Hội.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo trong tình hình mới. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến và nâng cao về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo...

Thực hiện Nghị quyết 18-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo thực hiện sáp nhập Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi vào Hội Chữ thập đỏ tỉnh; sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ Trung tâm Đào tạo-Dạy nghề-Dịch vụ việc làm thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam; sắp xếp lại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ 6 phòng (ban) còn 2 phòng (ban). Về kinh phí hoạt động, từng bước chuyển sang cấp kinh phí theo nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao để tăng tính tự chủ cho hoạt động Hội. Cấp xã, phường đã thực hiện kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội với cấp phó các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội; đồng thời, thực hiện sáp nhập 1.239 chi hội Chữ thập đỏ còn 685 chi hội.        

Thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục chăm lo củng cố, kiện toàn xây dựng phát triển Hội Chữ thập đỏ các cấp vững mạnh; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ Hội các cấp. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp với Hội Chữ thập đỏ trong thực hiện công tác nhân đạo, triển khai vận động đoàn viên, hội viên quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn. Hội Chữ thập đỏ các cấp nêu cao tính tự chủ, tự quản, chủ động sáng tạo trong các hoạt động của Hội, tích cực vận động, huy động các nguồn lực cho hoạt động nhân đạo; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào do Trung ương Hội phát động, góp phần tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng, UBND tỉnh Hà Nam đối với hoạt động Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo từ thiện. Nổi bật là việc đưa chỉ tiêu về hiến máu tình nguyện vào chỉ tiêu thi đua mang tính pháp lệnh cấp tỉnh, các tổ chức, địa phương bắt buộc tham gia; xây dựng ban chỉ đạo chung về hoạt động phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội thực hiện công tác nhân đạo, hiến máu, khám chữa bệnh; đưa lễ hội Xuân Hồng vào lễ hội chính thức của tỉnh Hà Nam vào ngày mùng 6 Tết Nguyên Đán hàng năm. Đây cũng là cách làm riêng của tỉnh Hà Nam mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ phổ biến và nhân rộng ra cả nước. Bên cạnh đó là việc tích cực tham gia đóng góp vào các đợt vận động, kêu gọi của Trung ương Hội Chữ thập đỏ khi xảy ra thiên tai cũng như tổ chức các đoàn thăm, hỗ trợ trực tiếp cho các tỉnh xảy ra thiên tai.       

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục quan tâm công tác cán bộ; đào tạo cán bộ kế cận; tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Hội. Cùng với đó, tạo điều kiện về mặt bằng cho Trung ương Hội xây dựng Trung tâm hoạt động Chữ thập đỏ, Trung tâm máu của khu vực Đồng bằng sông Hồng; thí điểm chương trình đào tạo nghề điều dưỡng viên...

Tin, ảnh: Đại Nghĩa (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả công tác Chữ thập đỏ trong trường học
Nâng cao hiệu quả công tác Chữ thập đỏ trong trường học

Tại hội nghị Tổng kết công tác Chữ thập đỏ trường học năm học 2017-2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 12/10, nhiều đại biểu khẳng định: Hoạt động Chữ thập đỏ là hoạt động nhân đạo do đó có tính xã hội hóa cao, được Ban giám hiệu các trường học quan tâm ủng hộ, giáo viên và học sinh tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Năm học 2017-2018, hoạt động nhân đạo trong các nhà trường đạt trên 82 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN