Hà Nam cần đoạn tuyệt với những quy hoạch phi thị trường

Chiều 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam 2016”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Được tổ chức với sự phối hợp của UBND tỉnh Hà Nam với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất được tổ chức tại tỉnh, nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư theo 3 lĩnh vực chính: Công nghiệp; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và Thương mại - Dịch vụ - Du lịch. Hội nghị lần này có sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế; các định chế tài chính cùng hơn 400 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.

10 cam kết với doanh nghiệp

Hà Nam thuộc top 15 tỉnh thu hút đầu tư FDI tốt nhất cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng bình quân 14,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Tính đến hết tháng 6 năm 2016, toàn tỉnh có gần 600 dự án đầu tư còn hiệu lực, với số vốn đăng ký là trên 4,95 tỷ USD. Theo bảng xếp hạng Chỉ số PCI năm 2015, Hà Nam xếp thứ 31, tăng 14 bậc so với năm 2014 (xếp thứ 45).

Theo ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, giao đất sạch không thu tiền để doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động… xây dựng Hà Nam từng bước trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư, lực lượng lao động, du khách trong và ngoài nước.”

Thông điệp tại hội nghị cho thấy, Hà Nam quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua 10 cam kết của Lãnh đạo tỉnh đối với nhà đầu tư như: Cung cấp đủ điện 24/24; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày; thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật; giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất; đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp; thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp…

Doanh nghiệp tốt, người giỏi và người giàu

Khẳng định Hà Nam là địa phương có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và thành tích khá tốt trong công tác cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 10 cam kết mà lãnh đạo tỉnh công bố tại Hội nghị và cho rằng đây là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh cả nước thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai định hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính, Thủ tướng mong muốn Hà Nam sẽ trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương lớn này.

Đề cập đến quy luật kinh tế thị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chính quyền không thể lựa chọn thay doanh nghiệp lĩnh vực đầu tư mà để doanh nghiệp tự lựa chọn. Chính quyền cần phát huy vai trò của doanh nghiệp và xã hội, theo đó, những việc doanh nghiệp và xã hội làm được thì để doanh nghiệp và xã hội tự làm; nếu không làm được thì Nhà nước mới làm.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần ý thức rõ những tư tưởng đổi mới trong quản lý kinh tế và nền hành chính; đoạn tuyệt với những quy hoạch phi thị trường. Lãnh đạo tỉnh cần đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường thiết lập cơ chế trao đổi, đối thoại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin dễ dàng hơn; khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ thành lập website để tiếp thu và giải quyết kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nam trong tiến trình kêu gọi đầu tư, cần chú trọng đến gìn giữ môi trường sống; không vì phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào mà bỏ qua vấn đề hệ trọng này, đó cũng chính là biểu hiện của phát triển bền vững, lâu dài. Bên cạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế, Hà Nam cũng cần nghiên cứu thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ, phát triển đồng bộ các vấn đề giáo dục, đào tạo và y tế để tận dụng tốt hơn các nguồn lực.

Khẳng định: Một địa phương sẽ thành công nếu thu hút hút được 3 yếu tố: doanh nghiệp tốt, người giỏi và người giàu, Thủ tướng mong muốn Hà Nam phấn đấu đạt được các điều kiện này. Muốn vậy, tỉnh cần tạo ra hệ thống hành chính thực sự vì doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp từ tỉnh đến xã và cả người dân cũng phải có cách ứng xử tốt với doanh nghiệp. Tỉnh cần nâng cao năng lực hệ thống tổ chức chính quyền, chống các biểu hiện quan liêu, nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân, nhất là cấp cơ sở. Trong quá trình đó, cần có cơ chế ghi nhận, biểu dương, khuyến khích kịp thời cán bộ làm tốt, dám nghĩ, dám làm trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng hy vọng Hà Nam sẽ vươn lên bứt phá mạnh mẽ toàn diện hơn vượt mức kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, nhất là năm 2016 để góp phần vào kết quả chung của cả nước; đưa Hà Nam thoát nghèo, không còn là tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách của trung ương.

Phát biểu với các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết tốt hơn vấn đề môi trường đầu tư; phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm đầu của ASEAN cùng Singapore và Malaysia. Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi; tăng cường phân cấp, giao quyền để các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu quả hơn; coi thành công của các nhà đầu tư chính là thành công của Chính phủ.
Tại Hội nghị, BIDV cam kết dành 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng tài trợ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tập trung cho các dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, cũng như cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư tại các Khu công nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với BIDV, ký thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư quy đổi gần 17 nghìn tỷ đồng (trong đó có Dự án đầu tư nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bán dẫn, LED, linh kiện LED của Tập đoàn Seoul Semiconductor (Hàn Quốc) tại Khu Công nghiệp Đồng Văn I, với tổng mức đầu tư 300 triệu USD).

Cũng tại Hội nghị, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam đã ký 4 biên bản ghi nhớ cung cấp tín dụng với tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng.

Quang Vũ – Thanh Tuấn (TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1386/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN