Duy trì tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí tối thiểu 75 nghìn tỉ đồng. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021 - 2022 đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong thời gian tới tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Chú thích ảnh
Gia đình ông Đinh Văn Điểm, dân tộc Mường ở khu Đông Thịnh, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn vay vốn chương trình hộ cận nghèo đầu tư nuôi trâu sinh sản, trồng rừng, gia đình có thêm việc làm, có cơ hội thoát nghèo bền vững. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng chỉ ra rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình. Cụ thể, nguồn vốn sự nghiệp trung ương chưa được xác định theo kế hoạch trung hạn hoặc xác định mức trần hằng năm nên các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí thực hiện.

Nguồn vốn sự nghiệp được bố trí thực hiện Chương trình năm 2022 thấp. Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm.

Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo.

Về mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nêu rõ, mục tiêu của Chương trình là: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,2%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ trì chương trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung 600 tỉ đồng ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện mục tiêu hỗ trợ đối với 15% các đối tượng thuộc dự án 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo) cho các huyện nghèo để triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở theo quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa đối với các bộ, ngành chuyên môn và các bộ, ngành đầu mối, tổng hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Đối với Tiểu dự án dinh dưỡng và Tiểu dự án nhà ở của chương trình, cần tiến hành khẩn trương để đảm bảo tính kịp thời, phù hợp, tính nhân văn khi hướng đến các đối tượng là trẻ em, đối tượng yếu thế trong xã hội.

XM/Báo Tin tức
Tạo cơ hội cho lao động từng đi làm tại Hàn Quốc, Nhật Bản tìm việc làm
Tạo cơ hội cho lao động từng đi làm tại Hàn Quốc, Nhật Bản tìm việc làm

Ngày 21/7, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Lao động ngoài nước, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp tổ chức phiên GDVL dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến Hà Nội – Quảng Nam – Đồng Tháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN