Dự kiến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật

Tiếp tục Phiên họp thứ 19, chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Kỳ họp thành công, đổi mới

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, Kỳ họp thứ 4 đã hoàn thành khối lượng lớn công việc với nhiều quyết sách quan trọng, mở ra nhiều cơ hội và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính tranh luận thể hiện ở hầu hết các phiên họp, tạo không khí sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Kết quả Kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; trong đó có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự theo dõi, giám sát, chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Các đại biểu nhấn mạnh, thành công của Kỳ họp tiếp tục khẳng định tinh thần không ngừng đổi mới, cải tiến, ngày càng công khai, minh bạch, gắn bó với nhân dân, được nhân dân giám sát chặt chẽ để những quyết sách của Quốc hội giải quyết trúng và đúng những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần đưa đất nước phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ 4 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm, cụ thể: Chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Nhiều nội dung chưa bảo đảm tiến độ chuẩn bị tài liệu, không kịp gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Việc bổ sung gấp một số nội dung quan trọng vào chương trình kỳ họp cho thấy sự bị động, cần phải được tất cả các cơ quan hữu quan rút kinh nghiệm…

Kỳ họp thứ 5 dự kiến khai mạc ngày 21/5/2018

Về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dự kiến Quốc hội làm việc trong 20,75 ngày; cụ thể họp phiên trù bị, khai mạc vào ngày 21/5/2018, bế mạc vào ngày 18/6/2018, trong đó không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để bảo đảm thời gian nghiên cứu tài liệu của đại biểu và các cơ quan của Quốc hội tiến hành một số công việc cần thiết.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, một dự thảo nghị quyết; đồng thời cho ý kiến 11 dự án luật. Trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp nên đề nghị tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Ngoài ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Quốc hội xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; quyết toán ngân sách Nhà nước; thực hiện giám sát chuyên đề; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác...

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 4/2018 để cho ý kiến về một số nội dung cần thiết; đồng thời, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đề xuất những nội dung cần thảo luận tại Hội nghị để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, để nâng cao chất lượng các dự án luật thì nên thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp. Bên cạnh đó, một số luật quan trọng nên tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chỉ rõ, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là hội nghị “cứng”, thảo luận trước các nội dung; sau đó tổng kết lại những vấn đề chủ chốt để khi đưa ra Quốc hội, các đại biểu chỉ cho ý kiến về các vấn đề này. Ngoài ra, các đơn vị cần tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng Quốc hội đã lên chương trình nhưng lại thay đổi.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, chỉnh lý nội dung, sau đó gửi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phan Phương (TTXVN)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chủ trương ban hành Nghị định hoạt động triển lãm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chủ trương ban hành Nghị định hoạt động triển lãm

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 19, sáng 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về hoạt động triển lãm và xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN