Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tán thành chủ trương ban hành Nghị địnhTờ trình việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về hoạt động triển lãm cho biết theo thống kê sơ bộ của riêng ngành văn hóa, năm 2013 cả nước có 499 cuộc triển lãm về văn hóa nghệ thuật; năm 2014 có 589 cuộc và năm 2015 tăng lên là 594 cuộc (số liệu thống kê của 44/63 tỉnh, thành phố). Năm 2016 thống kê 27/63 tỉnh, thành phố đã có 385 cuộc triển lãm.
Hiện nay những quy định về hoạt động triển lãm được nêu tại nhiều văn bản khác nhau: Luật Thương mại có một số điều quy định về triển lãm, hội chợ thương mại; Luật Di sản có một số điều quy định về triển lãm tại hệ thống bảo tàng; Luật Xuất bản có một số điều quy định về triển lãm xuất bản phẩm; Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ có một số điều quy định về triển lãm mỹ thuật; Nghị định số 72/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh có một số điều quy định về triển lãm nhiếp ảnh; Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ có một số điều quy định về triển lãm văn hóa, nghệ thuật. Đây là căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý văn hóa từ Trung ương đến địa phương tổ chức và quản lý các hoạt động triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh.
Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống xã hội, sự hội nhập sâu, rộng của Việt Nam với thế giới, hoạt động triển lãm đã có những bước phát triển với nhiều nội dung, hình thức mới rất đa dạng, phong phú, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề mới cho thấy sự cần thiết phải có những quy định pháp lý để điều chỉnh. Các mô hình, nội dung, hình thức triển lãm hiện nay rất đa dạng. Đối tượng tổ chức, tham gia hoạt động triển lãm cũng không chỉ là các cơ quan Nhà nước, bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố mà có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mặt khác, việc chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa thúc đẩy các triển lãm mang danh nghĩa quốc gia, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài, nhưng không ít triển lãm chưa thực sự đạt yêu cầu, thậm chí có triển lãm còn có sai phạm về nội dung và thời gian tổ chức chưa phù hợp. Bên cạnh đó, có những trường hợp triển lãm được tổ chức vào thời điểm nhạy cảm không phù hợp dẫn đến những phản ứng tiêu cực trong một bộ phận nhân dân, gây bất ổn chính trị, có trường hợp triển lãm nội dung phản cảm gây bức xúc trong xã hội.
Thực tiễn hoạt động triển lãm nêu trên cho thấy những quy định về quản lý hoạt động triển lãm ban hành trước đây chủ yếu mới chỉ dừng ở phạm vi triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh, chưa bao quát được toàn bộ hoạt động triển lãm với rất nhiều loại hình, nội dung triển lãm khác, vì thế nếu không bổ sung, ban hành văn bản quy định về hoạt động triển lãm thì việc tổ chức và quản lý hoạt động triển lãm sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay hầu hết các địa phương đều kiến nghị sớm xây dựng và ban hành quy định về hoạt động triển lãm để đáp ứng nhu cầu thực tế, phù hợp với thực tiễn hoạt động triển lãm.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương 20 điều.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chủ trương ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị giao Chính phủ có ý kiến chính thức trong hồ sơ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm; làm rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị định, đối tượng điều chỉnh và rõ thủ tục, điều kiện để thực hiện nghị định; cần làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước nói chung về tư tưởng văn hóa liên quan đến triển lãm và quan hệ phối hợp bộ, ngành; làm rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động triển lãm...
Nhất trí thành lập thị trấn Ninh CườngThời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Sau khi thảo luận, 100% thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Tờ trình nêu rõ Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thị trấn Ninh Cường trên cơ sở nguyên trạng xã Trực Phú với 7,41 km2 diện tích tự nhiên, 10.244 người và 16 xóm. Xã Trực Phú có lịch sử từ thời phong kiến, là thủ phủ của tổng Ninh Cường. Các địa danh trên địa bàn xã Trực Phú đều gắn với từ “Ninh Cường” và đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xã Trực Phú nói riêng, tỉnh Nam Định và cả nước nói chung, như: Đền Quốc Mẫu Ninh Cường, Đền thánh Ninh Cường, chợ Ninh Cường, cầu phao Ninh Cường... Việc đổi tên gọi khi thành lập thị trấn từ “Trực Phú” thành “Ninh Cường” là phù hợp và đã nhận được ý kiến đồng thuận của 99,69% cử tri xã Trực Phú.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Trực Phú sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; đáp ứng quá trình đô thị hóa của huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; đáp ứng các tiêu chuẩn thành lập thị trấn quy định tại Điều 9 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Xã Trực Phú đạt 3 tiêu chuẩn thành lập thị trấn gồm quy mô dân số, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội; Riêng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, xã Trực Phú có 7,41 km2, theo quy định là tối thiểu 14km2. Tuy nhiên, áp dụng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 31 của Nghị quyết 1211 thì khi thành lập mới đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nguyên trạng không áp dụng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Đồng thời, việc thành lập thị trấn Ninh Cường cũng bảo đảm 5 điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, với những lý do nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Phó Thủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất với đề xuất của Ủy ban Pháp luật về việc thành lập thị trấn Ninh Cường. Riêng về đội ngũ cán bộ, cho rằng việc chỉ có 22 cán bộ tại đây có trình độ trung cấp là chưa phù hợp với yêu cầu quản lý đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị địa phương thực hiện công tác luân chuyển cán bộ có trình độ đại học về nhận nhiệm vụ tại thị trấn Ninh Cường song song với việc triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ.
Đồng ý với việc thành lập thị trấn Ninh Cường, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ phải bảo đảm việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.