Là thủ
lĩnh một Liên Chi đoàn mạnh của trường Đại học Vinh, đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy, Bí thư Liên Chi
đoàn Khoa Kinh tế cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác Đoàn trong các trường
Đại học, cần có sự ưu tiên và có những giải pháp xây dựng tốt công tác cán bộ
Đoàn. Theo nữ Bí thư từng có 8 năm làm cán bộ Đoàn này, nên chăng xem xét quy định
những ai muốn làm cán bộ Đoàn, phải có chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ công
tác Đoàn.
Nguyễn Thị Bích Thủy, Bí thư Liên Chi đoàn Khoa Kinh tế, Đại học Vinh. |
Điểm thuận lợi nhất trong hoạt động Đoàn ở các trường Đại học,
theo chị, là điểm gì?
Cái được
nhất theo tôi là ở Đại học, sinh viên tập trung nên các hoạt động Đoàn đều được
sinh viên quan tâm, điều động sinh viên rất nhanh. Hầu như chúng tôi luôn luôn
có nhiều chương trình mới, sáng tạo, xuất phát từ ý tưởng của các bạn sinh viên
là chính.
Điểm
chưa được là tư tưởng khối sinh viên hay dao động.
Hiện
nay, nhiều sinh viên nghĩ làm Đoàn là để vào Đảng. Sau khi vào Đảng thì nhụt ý
chí phấn đấu. Vì vậy, luôn luôn phải giáo dục lý tưởng cho thanh niên để sinh
viên hiểu hoạt dộng Đoàn là để cống hiến, để trưởng thành, các kỹ năng được
phát huy. Đoàn phải luôn theo sát được diễn biến tâm lý, tư tưởng, chính trị của
sinh viên để hoạt động Đoàn ngày càng có ý nghĩa hơn, luôn là hoạt động tình
nguyện trên tất cả các phương diện.
Làm thế nào để sinh viên có được nguồn cảm hứng, sự khích lệ
tinh thần để họ tự nguyện đến với hoạt động Đoàn?
Thứ nhất,
tất cả hoạt động Đoàn phải gắn với lợi ích của sinh viên. Đó là: muốn ra trường
xin được việc làm, có công việc ổn định. Hoạt động Đoàn cần giúp đoàn viên trưởng
thành lên,phục vụ cho quá trình tìm việc, làm việc sau khi ra trường.
Với quan điểm đó, là một Bí thư Liên Chi đoàn, cá nhân chị
đã có tìm tòi gì để tổ chức hoạt động?
Liên
Chi đoàn tôi là một trong những Liên Chi đoàn mạnh, với số lượng hơn 4.000 đoàn
viên thanh niên. Lực lượng đông nhưng sẽ không mạnh nếu Đoàn không biết cách tập
hợp khối lực lượng đông đảo đó. Hiểu được điều đó, tôi cùng Ban chấp hành Liên
Chi đoàn đã có nhiều biện pháp tổ chức những hoạt động gắn với những lợi ích
cho sinh viên như: liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các
chuyên gia có thể giúp phát triển kỹ năng mềm để giới thiệu cho các bạn tham khảo,
có các câu lạc bộ (CLB) như CLB Hoa Chăm-pa thường xuyên giao lưu với lưu học
sinh Lào, Thái Lan; CLB khởi nghiệp… Vì xác định hoạt động Đoàn cần gắn với lợi
ích thanh niên nên các hoạt động chúng tôi đều lấy ý tưởng từ sinh viên.
Trong
khoa tôi có 73 Chi đoàn. Với mỗi Chi đoàn, cán bộ đoàn sẽ thăm dò : hiện nay,
các bạn thấy hoạt động nào chúng ta cần thực hiện? Kỹ năng mềm nào cần phát triển?
Từ đó, sinh viên tự họp lại nhau và xây dựng chương trình, Ban chấp hành sẽ cho
ý kiến.
Hoạt động
Đoàn có tiếng vang nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của đơn vị chị là gì?
Trước hết
phải kể đến là hoạt động tình nguyện, như: Giúp đồng bào bão lụt, vùng sâu,
vùng xa, tình nguyện giúp các gia đình thương binh liệt sĩ, có công với cách mạng
đang gặp khó khăn, tình nguyện giúp trẻ em mồ côi, giúp sinh viên có hoàn cảnh
khó khăn về áo quần, sách vở, kinh phí để tiếp tục học… Tất cả đều là sự chia sẻ
trên tinh thần tình nguyện. Nếu Chi đoàn nhỏ thì chỉ 30, 40 sinh viên. Nhưng những
chương trình tình nguyện lớn đi đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo có thể
huy động hàng trăm thanh niên.
Phong
trào thứ hai khá hiệu quả và có tiếng vang của Liên Chi đoàn chúng tôi là đền
ơn đáp nghĩa. Hàng quý, lại có các chương trình tri ân đến các gia đình bà mẹ
Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, cựu chiến binh hỗ trợ về
làm ăn kinh tế. Đây cũng chính là cách để giáo dục tư tưởng, chính trị cho sinh
viên.
Chị có
nói đến việc lực lượng đoàn viên trong trường Đại học đông là một lợi thế nhưng
hoạt động Đoàn sẽ không mạnh nếu không huy động được. Theo chị trong nhiệm kỳ tới,
Đoàn cần có đổi mới gì về cách tổ chức hoạt động để có thể phát huy được lợi thế
này?
Đến với
Đại hội, tôi có rất nhiều kỳ vọng. Một trong những nguyện vọng đó là Trung ương
Đoàn quan tâm hơn nữa đến hoạt động của Đoàn trong các trường Đại học, sẽ có những
giải pháp để xây dựng tốt công tác cán bộ. Hoạt động Đoàn muốn phát triển thì
phải làm tốt công tác cán bộ, phải bồi dưỡng, đào tạo, được giới thiệu nguồn đầu
vào và đầu ra. Đây cũng là băn khoăn, trăn trở của tôi.
Theo
tôi, phải quan tâm đầu tiên đến công tác cán bộ Đoàn. Tất cả những bạn nào muốn
làm cán bộ Đoàn phải qua một lớp đào tạo, phải có chứng chỉ đào tạo đó. Như thế,
các bạn đã hình dung được thế nào là công tác Đoàn. Đồng thời, thường xuyên phải
có những buổi giao lưu giữa các trường. Không chỉ là các buổi giao lưu giữa các
tỉnh mà cần phải giữa trường này với trường khác để các cán bộ Đoàn có cơ hội học
hỏi kinh nghiệm nhau.
Ở trường
tôi, từ 3 năm nay, cứ đều đặn 3 tháng/lần, Ban Chấp hành Đoàn tổ chức khóa học những
kỹ năng mềm đơn giản nhất cho cán bộ Đoàn. Học xong khóa này, các bạn được thử
sức trong hoạt động theo nhiều nhóm. Trong nhóm sẽ có những cá nhân tiêu biểu
và những cá nhân tiêu biểu này được lựa chọn để tham gia thi. Việc thi không tổ
chức đại trà. Ban chấp hành Đoàn chúng tôi mời chuyên gia hoặc cán bộ đoàn của
tỉnh đoàn hoặc khối các trường khác tới giảng các kỹ năng làm công tác phong
trào, cán bộ đoàn cũ chia sẻ kinh nghiệm. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng
công tác Đoàn như thế đã giúp chúng tôi chọn được những nhân tài có khả năng
làm hoạt động Đoàn từ trong quá trình đào tạo.
Hoạt động
Đoàn cần phải có tính chuyên nghiệp, vì thế, một cách khác để có nguồn cán bộ
Đoàn chất lượng cho các trường Đại học, tôi cũng mong Học viện thanh thiếu nhi
sẽ phối hợp với các Trường trung học để đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn từ sớm, chứ
không đợi đến lúc đại học mới làm.
Xin cảm ơn chị!
Mạnh Minh (thực hiện)