Trình bày tóm tắt dự thảo Đề án, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, Đề án được xây dựng nhằm đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện.
Việc xây dựng Đề án nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật; phù hợp với định hướng đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; bảo đảm hiệu quả, khả thi, đồng thời kế thừa những thành tựu đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, nhất là từ Quốc hội khóa XIII đến nay.
Đề án gồm 4 phần: Khái quát về đại biểu Quốc hội, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội; Thực trạng tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội; Giải pháp đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội và xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ tiếp theo; Tổ chức thực hiện.
Cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Đề án, các đại biểu đề nghị có giải pháp hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoạt động như cung cấp thông tin, đổi mới hoạt động của bộ phận giúp việc (văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương), cung cấp kỹ năng hoạt động đại biểu dân cử, đảm bảo cơ sở vật chất, cơ chế chính sách của đại biểu Quốc hội.
Một số ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý; tăng đại biểu là chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, tài chính - ngân sách; tiếp tục có các giải pháp để đạt cơ cấu nữ và bảo đảm cơ cấu dân tộc; tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc thu thập ý kiến cử tri đánh giá về hoạt động của đại biểu Quốc hội...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ dự thảo Đề án để có các giải pháp hữu hiệu nhằm đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, để hoạt động của đại biểu Quốc hội khoa học, tăng tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, các giải pháp phải bảo đảm tính khả thi trong thực tế, thể hiện được chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật và giải quyết căn cơ, thấu đáo các tồn tại, hạn chế, bất cập đang đặt ra, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng thêm về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội, lộ trình tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Về cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đề án cần rõ hơn nữa về tính khả thi, hợp lý, thực chất của một số tiêu chí; bỏ các tiêu chí không còn phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.