Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Cần thiết sửa đổi, bổ sung thuế suất tài nguyênTờ trình của Chính phủ nêu rõ Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Thuế suất thuế tài nguyên thể hiện mức độ điều tiết của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên.
Mức thuế suất thuế tài nguyên hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13, trong đó quy định mức thuế suất cụ thể cho từng loại tài nguyên trên cơ sở Biểu khung thuế suất do Quốc hội quy định tại Luật Thuế tài nguyên.
Theo đánh giá, về cơ bản Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành, tuy nhiên hiện mức thuế suất thuế tài nguyên còn hạn chế trong việc góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đồng thời chưa đảm bảo phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị.
Do vậy việc nghiên cứu, rà soát để điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với từng nhóm, loại tài nguyên cho phù hợp là cần thiết nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong việc khai thác tài nguyên quốc gia; góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường...
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với Nhóm khoáng sản kim loại; Nhóm khoáng sản không kim loại và Nhóm nước thiên nhiên theo như Tờ trình của Chính phủ.
Cụ thể: Nhóm khoáng sản kim loại - Từ ngày 1/1/2016: Măng gan: tăng từ 11% lên 14% (mức trần theo Luật là 20%); Chì, kẽm: tăng từ 10% lên 15% (mức trần theo Luật là 25%); Khoáng sản kim loại khác (bao gồm cả cô-ban, mô-lip-đen, thủy ngân, ma-nhê, va-na-đi): tăng từ 10% lên 15% (mức trần theo Luật là 25%).
Từ ngày 1/1/2017: Sắt: tăng từ 12% lên 14% (mức trần theo Luật là 20%); Ti-tan: Tăng từ 16% lên 18% (mức trần theo Luật là 20%); Vàng: tăng từ 15% lên 17% (mức trần theo Luật là 25%); Vôn-phờ-ram, ăng-ti-moan: Tăng từ 18% lên 20% (mức trần theo Luật là 25%); Đồng: Tăng từ 13% lên 15% (mức trần theo Luật là 25%); Bạch kim, bạc, thiếc: Tăng từ 10% lên 12% (mức trần theo Luật là 25%).
Với mức thuế suất dự kiến như trên, với sản lượng, giá tính thuế như năm 2014, số thu thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại tăng 125 tỷ đồng so với năm 2014 (trong đó, từ ngày 1/1/2016 tăng 26,1 tỷ đồng; từ ngày 1/1/2017 tăng thêm 98,9 tỷ đồng).
Đối với Nhóm khoáng sản không kim loại: Từ ngày 1/1/2016: Cát: Tăng từ 11% lên mức trần 15%; Cát làm thủy tinh: Tăng từ 13% lên mức trần 15%; Gờ-ra-nít: Tăng từ 10% lên 15% (mức trần theo Luật là 20%); Các khoáng sản không kim loại còn lại, trừ đá hoa trắng, than (gồm: Đất khai thác để san lấp và xây dựng công trình; đá, sỏi; đá nung vôi và sản xuất xi măng; sét chịu lửa; đô-lô-mít, quắc-zít; cao lanh; mi-ca, thạch anh kỹ thuật; apatit;...): tăng thêm 3%.
Riêng kim cương, ru-bi, sa-phia: Tăng từ 22% lên 27% (mức trần theo Luật là 30%); E-mô-rốt, a-lếch-xan-đờ-rít, ô-pan quý màu đen: Tăng từ 20% lên 25% (mức trần theo Luật là 30%) do là loại khoáng sản quý hiếm; khoáng sản không kim loại khác: Tăng từ 5% lên 10% (mức trần theo Luật là 25%).
Từ ngày 1/1/2017, đá hoa trắng: Tăng từ 9% lên mức trần 15%; Than: Tăng từ 7% lên 10% đối với than an-tra-xít hầm lò và than khác; tăng từ 9% lên 12% đối với than an-tra-xít lộ thiên, than nâu, than mỡ (mức trần theo Luật đối với than là 20%).
Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản không kim loại tăng khoảng 2.171,6 tỷ đồng so với số thu năm 2014 (trong đó từ ngày 1/1/2016 tăng khoảng 684,7 tỷ đồng; từ ngày 1/1/2017 tăng thêm khoảng 1.486,9 tỷ đồng).
Để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng mức thuế suất đối với nhóm nước thiên nhiên. Cụ thể: Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp: tăng từ mức sàn 8% lên mức trần 10%. Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện: tăng từ 4% lên mức trần 5%...
Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm nước thiên nhiên khoảng 4.352,7 tỷ đồng, tăng 887,7 tỷ đồng so với số thu năm 2014 (trong đó số thu từ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tăng 775,1 tỷ đồng).
Về thuế suất đối với nhóm sản phẩm rừng tự nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và một số ý kiến khác không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ (giảm mức thuế suất đối với gỗ rừng tự nhiên như sau: Gỗ nhóm I: từ 35% xuống 30%; Gỗ nhóm II: từ 30% xuống 25%; Gỗ nhóm III, IV: từ 20% xuống 18%; Gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác: từ 15% xuống 12%.).
Các ý kiến đề nghị giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm I, II, III đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên. Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân. Đồng thời, với mức giảm thuế tài nguyên theo báo cáo của Chính phủ là không lớn (6,9 tỷ đồng)....
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên.
Tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính, biên chế cho ngành thuế và hải quanThời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Cơ chế giai đoạn 2011-2015 đã góp phần quan trọng giúp Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó: Công tác đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất được tăng cường; đẩy mạnh cải cách hành chính đi đôi với sắp xếp bộ máy; công tác quản lý, đánh giá cán bộ, gắn hiệu quả công việc với công tác xét duyệt thi đua khen thưởng; tạo mối quan hệ đồng hành với người nộp thuế và doanh nghiệp...
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Mục tiêu quan trọng của giai đoạn 2016-2020 là thực hiện tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, theo dự kiến kế hoạch ngân sách trung hạn, số thu giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng 1,7-2 lần so với giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)… dự báo nhiệm vụ quản lý thu sẽ khó khăn, nặng nề hơn.
Vai trò của ngành thuế và hải quan trong việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước là rất quan trọng, yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý ngày càng cao. Do đó, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính, biên chế cho ngành thuế và hải quan giai đoạn 2016-2020 nhằm tăng cường nguồn lực để hiện đại hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý thu thuế, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần giảm chi phí hành thu, tạo động lực cho cán bộ, công chức ngành thuế, hải quan thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về Biên chế của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và đề xuất dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
Theo đó, biên chế của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được xác định trong phạm vi tổng số biên chế Nhà nước giao cho Bộ Tài chính, cụ thể: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục duy trì biên chế từ năm 2016 trở đi theo chỉ tiêu biên chế được Bộ Tài chính giao đến tháng 3/2015 (Tổng cục Thuế 43.438 biên chế, gồm: 43.323 công chức và 115 viên chức; Tổng cục Hải quan 10.949 biên chế, gồm: 10.667 công chức và 282 viên chức).
Dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 1,8% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao Tổng cục Thuế thực hiện; dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Hải quan (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 2,1% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao Tổng cục Hải quan thực hiện.
Về cơ cấu chi, tiếp tục thực hiện theo cơ cấu chi đã được phê duyệt và triển khai trong giai đoạn 2011-2015, cụ thể: Chi đầu tư phát triển tối thiểu 35% (gồm: Chi đầu tư xây dựng tối thiểu 10%, chi hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu 25%) và chi thường xuyên tối đa 65% trên tổng dự toán được giao. Về tiêu chuẩn, chế độ chi, mức chi: Thực hiện theo tiêu chuẩn, chế độ, mức chi do Nhà nước quy định...
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Pháp lệnh quản lý thị trường và chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.